VND USD
Kết nối với chúng tôi Theo dõi An Sinh Medical trên Facebook Theo dõi An Sinh Medical trên Youtube Theo dõi An Sinh Medical trên TikTok

1. Máy đo huyết áp cơ là gì? Cấu tạo của máy đo huyết áp cơ

Máy đo huyết áp cơ là gì?

Máy đo huyết áp cơ là một thiết bị dùng để đo huyết áp, giúp đưa ra các chỉ số huyết áp chính xác dựa trên những nguyên lý hoạt động đơn giản: Thiết bị sẽ tạo ra một áp lực lớn hơn áp suất tâm thu dự kiến, ngăn chặn sự chuyển động của dòng máu, sau đó giảm từ từ áp lực.

Người thực hiện đo nhận được chỉ số huyết áp tâm thu và tâm trương qua việc lắng nghe những chuyển động của dòng máu qua mạch. Các máy đo huyết áp cơ hiện thường được thấy tại các bệnh viện, phòng khám hay cơ sở y tế.

Cấu tạo của máy đo huyết áp cơ

Máy đo huyết áp cơ có cấu tạo đơn giản, bao gồm:

 - Vòng bít hay còn gọi là túi hơi: nối với quả bóp cao su bằng một ống dẫn khí. Vòng bít làm bằng vải có độ bền cao và có nhiều kích cỡ khác nhau để phù hợp với bắp tay người cần đo.

 - Đồng hồ đo: các chỉ số huyết áp sẽ hiển thị trên mặt đồng hồ khi đo.

 - Quả bóp cao su: là công cụ bơm hơi vào vòng bít qua ống dẫn cao su, nhằm làm tăng áp lực gây ra.

- Ống nghe: tương tự như ống nghe bình thường của các y bác sĩ. Nhiệm vụ của nó là giúp khuếch đại âm thanh giúp  người dùng nghe rõ mạch đập trong quá trình đo huyết áp.

Cấu tạo máy đo huyết áp cơ gồm có: Vòng bít, đồng hồ đo, quả bóp cao su, ống nghe

2. Nguyên lý hoạt động của máy đo huyết áp cơ

Khi sử dụng máy đo huyết áp cơ, dòng máu của động mạch cánh tay sẽ bị cản trở lại bằng một vòng bít. Vòng bít sau khi quấn vào bắp tay sẽ được bơm phồng, cho tới khi không khí bên trong nó gây ra một áp lực đủ lớn làm cản trở hoạt động của dòng máu đi qua.

Khi van được mở, khí trong vòng bít thoát ra khiến áp lực do nó gây nên giảm xuống từ từ. Và đến khi áp lực được tạo ra bởi vòng bít bằng với huyết áp tâm thu của người đo thì máu sẽ đi qua vòng bít. Việc này dẫn đến dòng máu có sự thay đổi và tạo ra âm thanh có thể nghe được thông qua sử dụng ống nghe.

Áp lực vòng bít tạo ra vẫn sẽ tiếp tục giảm xuống cho đến khi âm thanh từ sự thay đổi của dòng máu biến mất. Lúc này, áp lực của vòng bít đã thấp hơn huyết áp tâm trương của động mạch. Xác định thời điểm âm thanh biến mất, số chỉ trên đồng hồ đo lúc đó cũng chính là huyết áp tâm trương.

Như vậy, máy đo huyết áp cơ có thể đưa ra 2 chỉ số huyết áp quan trọng là huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu. Kết quả này có độ tin cậy cao với sự tin tưởng của rất nhiều y bác sĩ. 

Trong đó huyết áp tâm thu tương đương thời điểm máu bắt đầu đi qua trong khi sức ép ở băng cao su giảm. Còn huyết áp tâm trương tương ứng với thời điểm máu hoàn toàn tự do lưu thông trong động mạch khi không còn sức ép của băng cao su.

Máy đo huyết áp cơ hoạt động dựa trên sự thay đổi áp lực của vòng bít lên động mạch cánh tay.

3. Ưu nhược điểm của máy đo huyết áp cơ

Ưu điểm:

 - Máy đo huyết áp cơ cho các chỉ số huyết áp với độ chính xác cao 

 - Độ bền cao và có thể chịu được lực va đập lớn.

 - Sản phẩm không sử dụng pin hay điện nên giúp tiết kiệm được các nguồn năng lượng.

 - Thiết kế máy nhỏ gọn, thuận tiện cho người dùng mang theo bên mình tới bất cứ đâu mà không sợ tốn diện tích.

 - Mức giá phải chăng, phù hợp với nhu cầu của nhiều người.

 Nhược điểm:

 - Yêu cầu những người có trình độ chuyên môn nhất định hoặc có sự am hiểu và được đào tạo cách sử dụng máy đo huyết áp cơ.

 - Hạn chế tự đo huyết áp bằng máy đo huyết áp cơ, do các kết quả khi tự đo thường thiếu chính xác hơn.

 - Cần thường xuyên điều chỉnh đồng hồ đo theo định kỳ 6 tháng/lần để đảm bảo kết quả đo được chính xác.

4. Các bước thực hiện đo huyết áp bằng máy đo huyết áp cơ

Chuẩn bị trước khi đo:

 - Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết như: ống nghe, vòng bít nối với đồng hồ và quả bóp cao su…

 - Trước khi tiến hành đo huyết áp, người được đo cần chọn một vị trí yên tĩnh và trong tư thế thả lỏng, cánh tay phải được đặt ngay ngắn trên một bề mặt phẳng cao ngang ngực. Trong quá trình đo không nên mặc quần áo bó sát và tuyệt đối không nên sử dụng các chất kích thích.

 - Hai tư thế phổ biến nhất khi đo chính là nằm và ngồi. Nên kiểm tra huyết áp định kỳ 3 hoặc 6 tháng/lần. Đặc biệt, đối với những người mắc bệnh tim, tiểu đường, huyết áp cao, hạ huyết áp cần được quan tâm và theo dõi thường xuyên.

Tiến hành đo huyết áp:

 - Quấn vòng bít vào bắp tay, trên khuỷu tay khoảng từ 2,5-5 cm. Quấn nhẹ nhàng, chặt vừa phải và nên để ngửa bàn tay.

 - Đặt loa ống nghe ở trên phần nếp khuỷu tay ở vùng động mạch. Bóp quả bóng hơi cho đến khi không còn nghe thấy tiếng đập của động mạch thì bơm thêm khoảng 30mmHg nữa và bắt đầu xả hơi.

 - Sau khi xả hơi, người dùng nên để ý thật kĩ âm thanh mạch qua ống nghe cũng như chỉ số hiển thị trên bề mặt đồng hồ.

 - Lưu ý tại thời điểm người đo phát hiện tiếng mạch đập đầu tiên, chỉ số trên bề mặt đồng hồ chính là huyết áp tâm thu. Ngay sau khi âm thanh cuối cùng mất đi, ta sẽ thu được huyết áp tâm trương là số chỉ của đồng hồ.

 - Sau khi đo xong thì mở van và thả khí. Lưu ý khi xả van hơi cần xả liên tục cho tới khi kim đồng hồ trở về vị trí số 0.

Để cánh tay thả lỏng và chuẩn bị bộ đo huyết áp cơ để tiến hành thực hiện đo huyết áp

5. Những lưu ý khi sử dụng máy đo huyết áp cơ

Khi sử dụng máy đo huyết áp cơ, người dùng cần lưu ý một số điều sau:

 - Để kết quả đo huyết áp được chính xác nhất có thể, cần chọn vòng bít có kích cỡ phù hợp với bắp tay bệnh nhân.

 - Người cần đo phải đảm bảo cả tinh thần cùng như cơ thể ở trong trạng thái thư giãn, thả lỏng nhất. Bệnh nhân nên dành ra 5 phút để thả lỏng cơ thể trước khi đo.

 - Người cần đo nên hạn chế trò chuyện trong lúc tiến hành đo huyết áp, để kết quả đo được chính xác.

 - Vòng bít cần được tiếp xúc trực tiếp với da. Người tiến hành đo huyết áp cần chú ý không đo cách lớp quần áo.

 - Đo huyết áp cần thực hiện trong nhiệt độ phòng.

 - Tư thế đo huyết áp cần chuẩn xác. Người cần đo phải thẳng lưng, hai chân chạm đất, tay quấn vòng bít phải đặt ngang ngực và trên một bề mặt phẳng.

- Không sử dụng các sản phẩm chứa chất kích thích như bia rượu, thuốc lá… hay vận động mạnh trong vòng 30 phút trước khi kiểm tra huyết áp.

6. Hướng dẫn bảo quản máy đo huyết áp cơ

Thông thường máy đo huyết áp cơ có độ chính xác cũng như độ bền rất cao. Song để đảm bảo kết quả đo được chính xác cũng như kéo dài tuổi thọ cho máy, người dùng nên lưu ý một số điểm sau: 

 - Không để máy đo huyết áp cơ tiếp xúc trực tiếp dưới nền nhà, nơi ẩm ướt.

 - Dùng máy theo đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để đảm bảo kết quả đo được chính xác, tránh sai số.

 - Vệ sinh máy định kỳ bằng cách dùng khăn vải mềm, lau khô các bộ phận của máy để tránh bụi bẩn bám vào làm hỏng các chi tiết trong máy.

 - Điều chỉnh đồng hồ đo định kỳ để tránh trường hợp sai số trong quá trình đo.

 - Không được gập ống bít, ống dẫn khí quá chặt.

7. Các thương hiệu máy đo huyết áp cơ

Một số thương hiệu máy đo huyết áp cơ nổi tiếng hiện có trên thị trường như: Aneroid- Nhật Bản, Microlife - Thụy Sỹ, Riester - Đức,....

 

Sản phẩm vừa xem