Thiết bị y tế An Sinh

Hướng dẫn xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế

Dự thảo nêu rõ, khi xây dựng giá gói thầu, trường hợp cùng một chủng loại trang thiết bị y tế nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau, chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao Hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị.

Trên cơ sở tính năng, cấu hình kỹ thuật do Hội đồng khoa học xây dựng, đơn vị tổ chức lấy báo giá.

Chủ đầu tư được phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối duy nhất.

Cùng chủng loại trang thiết bị y tế, có nhiều hãng sản xuất khác nhau, xây dựng giá gói thầu thế nào?

Đề xuất sửa quy định về tham khảo giá khi mua sắm trang thiết bị y tế.

Chủ đầu tư xác định giá gói thầu căn cứ ít nhất một trong các tài liệu sau đây:

Giá thị trường được tham khảo từ báo giá của các nhà cung cấp theo một trong các hình thức sau đây:

Căn cứ trên tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn đã được xác định theo quy định trên, Chủ đầu tư gửi thông báo mời chào giá (quy định cụ thể các nội dung, thông tin: thời hạn báo giá, yêu cầu kỹ thuật, khả năng cung cấp, phương thức nhận, địa chỉ nhận của đơn vị yêu cầu báo giá) lên một trong các Cổng thông tin điện tử sau:

  • Cổng thông tin điện tử của đơn vị;
  • Cổng thông tin điện tử mua sắm công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (https://muasamcong.mpi.gov.vn);
  • Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế (https://dmec.moh.gov.vn);
  • Cổng kê khai giá trang thiết bị y tế (https://kekhaigiattbyt.moh.gov.vn).
  • Thời gian đăng tải tối thiểu 10 ngày. Hết thời gian thông báo mời chào giá, chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu. Trường hợp chỉ có một hoặc hai nhà phân phối hoặc doanh nghiệp (nhà phân phối) cung cấp báo giá thì được sử dụng các báo giá đã nhận để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu và phải có thuyết minh cụ thể, đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan trong quá trình xây dựng giá gói thầu và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác đối với trường hợp này.

Chủ đầu tư được phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối duy nhất hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà phân phối khác.

Giá trúng thầu của gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 120 ngày tính từ ngày trình phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Hướng dẫn phạm vi yêu cầu trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu trang thiết bị y tế

Theo dự thảo của Bộ Y tế, trường hợp trong hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư quy định nội dung nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị y tế để sử dụng vật tư, hóa chất thì nhà thầu trúng thầu phải cung cấp thiết bị y tế theo yêu cầu của chủ đầu tư trên nguyên tắc khi đưa yêu cầu này trong hồ sơ mời thầu phải bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu tránh hướng đến một nhà thầu hoặc số ít nhà thầu hoặc chỉ định thầu. Thời thực hiện Hợp đồng không quá 24 tháng.

Dự kiến khi được ban hành, Thông tư này có hiệu lực ngay trong tháng 4 này.

Trước đó, đối với mua sắm trang thiết bị y tế, theo các bệnh viện khó nhất hiện nay là đơn vị không biết tham khảo thông tin xây dựng giá gói thầu mua sắm thiết bị y tế thế nào là đúng.

Cụ thể, theo quy định cũ, bắt buộc phải tham khảo 3 báo giá. Trong điều kiện không tham khảo được 3 báo giá và các tài liệu tham khảo theo quy định khác thì không có quy định giao cho chủ đầu tư quyết định xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, cũng quy định tối đa không quá 90 ngày lựa chọn nhà thầu… nên gây khó khăn lớn cho các bệnh viện.

Để tháo gỡ ‘nút thắt’ này, tại Nghị quyết 30 do Chính phủ ban hành ngày 4/3 đã sửa đổi cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023.

Theo Báo Sức khỏe & Đời sống

Chiều 5/4, tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách, các đại biểu đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Liên quan đến vấn đề đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế quy định trong dự thảo luật được nhiều ĐBQH chuyên trách thảo luận sôi nổi.

Góp ý về đấu thầu thuốc, vật tư y tế, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) đề nghị xem xét vấn đề đấu thầu tập trung, đấu thầu quốc gia và đấu thầu địa phương. Trong lĩnh vực này, người đấu thầu là người không sử dụng. Tại địa phương, Sở là đơn vị đấu thầu rồi mới cấp phát cho các đơn vị.
Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều ngày 5/4/2023.
Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều ngày 5/4/2023.

Vị đại biểu đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nêu, thực tiễn giám sát các địa phương vừa qua cho thấy, có một số tỉnh do chậm trễ trong đấu thầu dẫn đến cả tỉnh chậm thuốc, tương tự như vậy đối với vật tư y tế cũng như quy mô quốc gia. Trong khi có rất nhiều doanh nghiệp, bệnh viện có đủ cơ sở, có đủ khả năng để mua thuốc phù hợp với giá thị trường nhưng vẫn phải chờ Sở đấu thầu theo rất nhiều quy trình.

Chỉ rõ bất cập này, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị riêng với ngành y tế là ngành đặc thù nên cần phải xem xét về quy định về đấu thầu tập trung, đấu thầu thuốc để có quy định phù hợp.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Tạ Văn Hạ, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho rằng: Quy định đấu thầu tập trung đối với thuốc, thiết bị, vật tư dùng nhiều, dùng số lượng lớn thực hiện đấu thầu tập trung là “rất cồng kềnh”. 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến, nếu số lượng lớn, rất lớn thì nên quy định để các cơ sở y tế, các bệnh viện tự đấu thầu là chính, hạn chế đấu thầu tập trung vì họ sẽ chủ động hơn, bớt cồng kềnh, không chờ đợi.

Còn ĐBQH Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) lại cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của nhân dân có nguyên nhân chính là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên không dám làm, không dám đấu thầu mua sắm tại một số địa phương và đơn vị. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại những nội dung liên quan đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế để kịp thời bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.

Về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc và trang thiết bị y tế, đối với những vùng gần đô thị, gần trung tâm, gần cảng biển, sân bay rất thuận lợi nhưng ở vùng sâu, vùng xa thì khó khăn vì chi phí vận chuyển cao. Vị đại biểu đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, có tình trạng nhà cung cấp né tránh cung cấp cho những gói thầu tại vùng sâu, vùng xa…

Bên cạnh đó mua sắm tập trung đang gặp khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền ban hành danh mục trang thiết bị về y tế, vật tư đấu thầu tập trung cần phải tháo gỡ.

Đối với quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đại biểu Nguyễn Tạo cho biết, các gói thầu thường được thực hiện trong tình trạng khẩn cấp thì nên áp dụng, như gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh nhằm phục vụ kịp thời trong tình huống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại… theo quy định của cấp có thẩm quyền. Theo đại biểu Nguyễn Tạo cũng cần vận dụng linh hoạt tương tự như trong trường hợp sửa đổi Điều 130 của Luật Xây dựng.

Báo cáo làm rõ một số nội dung ĐBQH chuyên trách nêu liên quan đến những nội dung trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, ngoài 8 phương thức lựa chọn nhà thầu còn có quy định thêm riêng cho mua sắm tập trung, mua sắm trang thiết bị y tế. Dự thảo dành nhiều điều khoản cho lĩnh vực này, không chỉ thực hiện theo Điều 57 mà còn có mua sắm trực tiếp, hay thực hiện chuyển tiếp… do đó đề nghị nhìn tổng thể các quy định có trong dự thảo Luật.

Về chỉ định thầu, qua thảo luận các đại biểu cơ bản thống nhất hạn chế chỉ định thầu. Tuy nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng lưu ý rằng, đấu thầu nhằm lựa chọn được nhà thầu chất lượng với giá cả hợp lý. Nhưng hơn hết, đấu thầu là nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh, bình đẳng cho các nhà sản xuất.

Theo suckhoedoisong.vn

“Nút thắt” thủ tục phần nào được cởi bỏ khi Chính phủ có nghị quyết 30 và nghị định 07, nhiều bệnh viện tại TP.HCM đã phát thông báo mời thầu trang thiết bị, vật tư y tế sau thời gian dài bế tắc.

ệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thông báo mời thầu nhiều gói trang thiết bị y tế
Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thông báo mời thầu nhiều gói trang thiết bị y tế

Những ngày gần đây, trên website các bệnh viện như Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Nguyễn Tri Phương, Nhi đồng 2… xuất hiện rất nhiều thông báo mời thầu các trang thiết bị, vật tư y tế, vật tư tiêu hao.

Mua sắm “xôm tụ” trở lại

Ngày 15-3, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã có một loạt văn bản mời chào giá cung cấp màng lọc dùng cho máy đo khí áp mũi, cung cấp bóng đèn nguồn sáng máy nội soi, sửa chữa máy tiêm tự động, sửa chữa thay thế dây soi dạ dày Fujinon…

Ông Võ Đức Chiến, giám đốc bệnh viện, cho hay sau một thời gian bị vướng thủ tục, nghị quyết 30 và nghị định 07 đã tháo gỡ, mở hướng ra nên bệnh viện tổ chức mời chào giá, đấu thầu các trang thiết bị phục vụ khám và điều trị.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các thông báo mời chào giá xuất hiện với tần suất dày hơn. Riêng trong ngày 17-3 đã có bốn thông báo được phát hành mời chào giá các gói thay thế phụ kiện đang hư hỏng cho hệ thống chụp cắt lớp vi tính (CT-Scanner) 128 lát cắt, dịch vụ sửa chữa máy phân tích đa kênh MCA Hãng AccuSync…

Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những đơn vị từng có nguy cơ ngưng hoạt động vì không đủ hóa chất để chẩn đoán và không đủ vật tư y tế tiêu hao.

Bệnh viện Nhân dân 115 chỉ trong chiều 16-3 đã ra ba thông báo mời chào giá gần trăm mặt hàng là các vật tư, thiết bị y tế với các yêu cầu cụ thể như: giá chào có hiệu lực trong sáu tháng; đã bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí theo luật định, chi phí vận chuyển, giao hàng và các yêu cầu khác của bên mời thầu.

Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng 2 trong các ngày từ 14 đến 16-3 cũng phát đi nhiều thông báo mời thầu qua mạng với các gói thầu cung cấp lọ lấy mẫu đàm và bộ hút đàm kín, linh kiện nâng cấp cho máy chủ và hệ thống lưu trữ, gel sát khuẩn tay nhanh…

Có bệnh viện sắp nhận được máy móc

Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Vũ, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, cho biết nhiều tháng qua bệnh viện đã bị ách tắc trong mua sắm trang thiết bị. Trong năm 2022, bệnh viện tổ chức đấu thầu mua sắm một máy hấp nhiệt độ thấp dùng để tiệt trùng các dụng cụ phẫu thuật (-23oC) nhưng do không gia hạn được giấy phép nhập khẩu nên công ty cung ứng không giao hàng. Mới đây bệnh viện đã mở thầu trở lại và trong tuần tới máy sẽ được lắp tại bệnh viện.

Tại Bệnh viện Nhi đồng TP, ông Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc bệnh viện – cho biết do bệnh viện mới thành lập vào năm 2014 nên các máy móc, trang thiết bị y tế tại bệnh viện còn khá mới, hoạt động tốt. Những máy móc, trang thiết bị dự kiến mua sắm cách đây hai năm thì bệnh viện đang làm các thủ tục để nhập hàng.

“Chúng tôi đang khởi động lại công tác mua sắm, đấu thầu. Các máy móc bệnh viện đang thiếu thì đã có hợp đồng với nhà cung cấp nên không cần thông báo mời chào giá thêm. Và với quy định mới là được gia hạn số lưu hành thì hàng sẽ sớm về bệnh viện”, ông Tiến chia sẻ.

Một lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất cho hay thời gian qua bệnh viện vẫn phải đảm bảo thuốc men và trang thiết bị cho các bệnh nhân dù tình hình cũng rất khó khăn. Nghị quyết 30 và nghị định 07 đã cơ bản giải quyết được những vướng mắc của các bệnh viện hiện nay chứ chưa giải quyết triệt để.

Vấn đề căn cơ là phải sửa đổi Luật đấu thầu và cần có một luật đấu thầu riêng cho ngành y tế. “Sức khỏe con người là vốn quý không có gì so sánh được. Không nên lấy quy định đấu thầu vôi vữa để áp vào đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế”, vị này nói.

Theo Tuoitre.vn

Hiện có khoảng 7.000 hồ sơ cấp phép trang thiết bị y tế đang tồn đọng, nhiều hồ sơ đã nộp từ rất lâu chưa được xét. Nguyên nhân, theo Bộ Y tế, do tâm lý e ngại thẩm định và nguồn nhân lực hạn chế.

Dược sĩ chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN
Dược sĩ chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) – Ảnh: NAM TRẦN

Ngày 24-3, Bộ Y tế tổ chức cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế quý 1. Tại cuộc họp, báo chí đặt câu hỏi về việc hiện còn khoảng 7.000 hồ sơ cấp phép trang thiết bị y tế đang tồn đọng, nhiều hồ sơ đã nộp từ rất lâu chưa được xét, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này…

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Tử Hiếu – phó vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) – nói theo quy định của nghị định 98 của Chính phủ, Bộ Y tế đã tổ chức thẩm định hồ sơ và cấp số lưu hành.

“Tuy nhiên, do số lượng hồ sơ nhiều, nguồn nhân lực trực tiếp làm công tác quản lý, xử lý hồ sơ tại Bộ Y tế rất thiếu. Cụ thể, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế hiện chỉ có 7 chuyên viên, ngoài thẩm định hồ sơ còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác.

Đặc biệt, trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc dẫn đến có tâm lý e ngại trong việc đọc và thẩm định hồ sơ của các chuyên gia độc lập”, ông Hiếu nói.

Tới đây, sau khi chuyển đổi thành Cục Cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế (theo nghị quyết 95 của Chính phủ), nhân lực của đơn vị sẽ tăng số lượng, có thể giải quyết hồ sơ tồn đọng hiện nay.

Bên cạnh đó, các đơn vị đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành được 5 lần sửa đổi, bổ sung hồ sơ kể từ ngày Bộ Y tế có yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Qua thống kê, hơn 90% hồ sơ đề nghị cấp số lưu hành phải đề nghị sửa đổi bổ sung.

“Sau mỗi lần bổ sung do thủ tục này được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử, doanh nghiệp có thể thay đổi toàn bộ nội dung, tài liệu đăng ký lưu hành, dẫn đến việc thẩm định phải đọc lại từ đầu.

Trên thực tế, mỗi hồ sơ đều phải đọc nhiều lần làm tăng khối lượng công việc cho các chuyên gia và chuyên viên, trong khi nhân lực số lượng chuyên gia và chuyên viên còn thiếu nhiều”, ông Hiếu nói rõ.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, trong đó tham mưu Chính phủ ban hành nghị định số 07 để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế, cho phép gia hạn hiệu lực của các giấy phép đã cấp đến hết ngày 31-12-2024.

Theo đó sẽ giải quyết 7.000 hồ sơ tồn đọng này tới 31-12-2024.

Ông Hà Anh Đức – chánh văn phòng Bộ Y tế – cho biết Vụ Trang thiết bị và công trình y tế cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thủ tục gọn gàng, tăng hiệu suất. Bên cạnh đó, cần tăng phí thẩm định cho chuyên gia để thỏa đáng.

“Theo tôi được biết, chi phí thẩm định cho chuyên gia hiện nay rất thấp, mặc dù đây không phải công việc nhẹ nhàng và có tính trách nhiệm rất cao, Vì vậy, cần trả chi phí xứng đáng cho các chuyên gia làm trong lĩnh vực này”, ông Đức nói.

Theo Tuoitre.vn

SKĐS – Chiều 16/3 tại trụ sở Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã tiếp bà Oh Young Ju, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam.

Tham dự buổi tiếp có đại diện một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế cùng các cán bộ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi tiếp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi tiếp.

Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chào mừng Đại sứ Oh Young Ju và các cán bộ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đến thăm và làm việc với Bộ Y tế. Chúc Đại sứ Oh Young Ju có nhiệm kỳ công tác thành công, tiếp tục ủng hộ và thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc nói chung và quan hệ hợp tác y tế giữa hai nước nói riêng ngày càng phát triển sâu rộng.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Việt Nam và Hàn Quốc đã có hơn 30 năm thiết lập quan hệ hợp tác. Mối quan hệ hợp tác giữa hai bên ngày càng sâu sắc trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế mà Việt Nam và Hàn Quốc đang triển khai như lĩnh vực an toàn thực phẩm, vaccine, sinh học và dân số…

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm, Bộ Y tế hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ hợp tác toàn diện trong lĩnh vực y tế. Bộ trưởng tin tưởng hợp tác y tế giữa hai nước cũng sẽ được tăng cường và phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

Bộ trưởng đề nghị cá nhân bà Oh Young Ju sẽ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Bộ Y tế hai nước trong quá trình xây dựng và triển khai các hoạt động hợp tác y tế.

Bà Oh Young Ju - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam (giữa) phát biểu tại buổi tiếp.
Bà Oh Young Ju – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam (giữa) phát biểu tại buổi tiếp.

Phát biểu tại buổi tiếp, bà Oh Young Ju – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành y tế Việt Nam thời gian qua. Đại sứ Oh Young Ju tin tưởng, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ là đối tác hợp tác ngày càng mật thiết hơn trong tương lai, đồng thời là đối tác hợp tác phù hợp nhất của nhau.

Đại sứ Oh Young Ju mong muốn Bộ trưởng Đào Hồng Lan quan tâm chỉ đạo thúc đẩy triển khai các nội dung hợp tác trong bản ghi nhớ hai Bộ Y tế đã ký; Các nội dung phối hợp trong các lĩnh vực an toàn thực phẩm, trang thiết bị y tế, dược phẩm, trong đó có việc đưa Hàn Quốc vào danh sách các nước tham chiếu trong đấu thầu trang thiết bị y tế ở các cơ sở công lập…

Bộ trưởng Đào Hồng Lan và các đại biểu tham dự buổi tiếp bà Oh Young Ju, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan và các đại biểu tham dự buổi tiếp bà Oh Young Ju, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, hai bên cùng nhau trao đổi, thảo luận các lĩnh vực y tế cũng như tiến độ các dự án mà hai nước Việt Nam – Hàn Quốc đang thực hiện.

Theo Suckhoedoisong.vn

SKĐS – Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, tháo gỡ khó khăn về thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Sửa quy định về thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Nghị quyết số 30/NQ-CP sửa đổi khoản 4 Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ như sau:

“Cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu, như sau:

a) Đối với các hợp đồng được ký trước ngày 05 tháng 11 năm 2022: thực hiện theo thời hạn của hợp đồng.

b) Đối với các hợp đồng được ký từ ngày 05 tháng 11 năm 2022: thực hiện đến khi có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này, bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp.

Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 tháo gỡ khó khăn về thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế
Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 tháo gỡ khó khăn về thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế

Trường hợp hết thời hạn hợp đồng quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì được tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua.”

Cũng theo Nghị quyết 30/NQ-CP, trường hợp trong hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư hoặc bên mời thầu (sau đây gọi chung là chủ đầu tư) quy định nội dung nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị y tế để sử dụng vật tư, hóa chất thì nhà thầu trúng thầu phải cung cấp trang thiết bị y tế theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Chi phí khám bệnh, chữa bệnh của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất quy định tại khoản này được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Trường hợp hết thời hạn hợp đồng thì được tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua.

Cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023

Nghị quyết 30/NQ-CP nêu rõ, cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023, cụ thể như sau:

a) Khi xây dựng giá gói thầu, trường hợp cùng một chủng loại trang thiết bị y tế nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau, chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao Hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị. Trên cơ sở tính năng, cấu hình kỹ thuật do Hội đồng khoa học xây dựng, đơn vị tổ chức lấy báo giá theo quy định tại điểm b khoản này.

b) Chủ đầu tư xác định giá gói thầu căn cứ ít nhất một trong các tài liệu sau đây:

– Giá thị trường được tham khảo từ báo giá của các nhà cung cấp theo một trong các hình thức sau đây:

+ Chủ đầu tư gửi thông báo mời chào giá với yêu cầu kỹ thuật lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế (https://dmec.moh.gov.vn) hoặc trang thông tin điện tử của đơn vị hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đấu thầu trong thời gian tối thiểu 10 ngày. Hết thời gian thông báo mời chào giá, chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu. Trường hợp chỉ có một hoặc hai nhà phân phối hoặc doanh nghiệp (sau đây gọi chung là nhà phân phối) cung cấp báo giá thì được sử dụng các báo giá đã nhận để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu.

+ Chủ đầu tư được phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà phân phối khác.

Việc xác định giá gói thầu được dựa trên tính năng kỹ thuật, nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính của chủ đầu tư.

– Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của Luật Giá;

– Giá trúng thầu của gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 120 ngày.

c) Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì ghi rõ giá cho từng phần trong giá gói thầu.

Cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ y tế cung cấp từ các trang thiết bị y tế này và được sử dụng kinh phí của cơ sở để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế trong quá trình sử dụng.

Quý II/2023, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế

Bộ Y tế có trách nhiệm:

– Xây dựng, ban hành hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế: Hoàn thành trong Quý II năm 2023;

– Sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, cấp địa phương bảo đảm phù hợp với năng lực tổ chức đấu thầu của từng cấp và khả năng cung ứng của doanh nghiệp để cung ứng đủ, kịp thời thuốc cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh: Hoàn thành trong Quý III năm 2023;

– Nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung: Hoàn thành trong Quý III năm 2023;

– Xây dựng, ban hành hướng dẫn mẫu hồ sơ mời thầu đối với gói thầu dược liệu, vị thuốc cổ truyền để đấu thầu qua mạng: Hoàn thành trong Quý III năm 2023;

– Rà soát, đánh giá cụ thể việc tiếp nhận máy móc, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng do tổ chức, cá nhân tặng, cho, đóng góp, tài trợ, viện trợ cho các cơ sở y tế sử dụng phục vụ khám, chữa bệnh. Trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan có liên quan đề xuất giải pháp cụ thể báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định: Hoàn thành trong Quý II năm 2023.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Theo suckhoedoisong.vn

Dành cho xe cứu thương và dịch vụ cho thuê máy thở tại nhà

Hiện nay, vẫn còn nhiều xe cứu thương, dịch vụ cho thuê máy thở sử dụng tại nhà đang dùng những dòng máy thở rất cũ. Đây hầu hết là những máy nhập lậu, máy hỏng tân trang lại từ các Bệnh viện thanh lý. Theo quy định, những máy này không được phép lưu hành nhưng đến nay vẫn được sử dụng khá phổ biến.
 
Mặc dù các máy thở cũ vẫn có thể hoạt động được song hầu hết các cảm biến của máy đã hỏng, các thông số cài đặt không còn chính xác, và hầu như không được QC kiểm chuẩn trước khi đưa vào sử dụng. Một số các dòng máy thở cũ thường gặp là: Newport HT50, Newport E360, Drager Savia, Vela… Trong đó, máy thở di động phổ biến nhất, chiếm đến hơn 70% là Newport HT50.
 

Một số dòng máy thở di động cũ phổ biến trên thị trường

Nhằm hỗ trợ các đơn vị cung cấp dịch vụ “Xe cứu thương và cho thuê Máy thở” nâng cao chất lượng dịch vụ và đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ y tế, An Sinh đưa ra chương trình:

ĐỔI MÁY HT50 CŨ LẤY MÁY MTV1000 MỚI với mức trợ giá lên tới 89.000.000 đ

Thể lệ chương trình

  1. Khách hàng áp dụng
  • Các đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê xe cứu thương
  • Đơn vị đang cung cấp dịch vụ cho thuê máy thở sử dụng tại nhà
  1. Máy thu cũ, đổi mới và mức trợ giá
  • Máy cũ thu lại: Newport HT50
  • Máy mới đổi: Mek-ics MTV1000 (Cấu hình tiêu chuẩn)

MTV1000 từ hãng Mek-ics Hàn Quốc, là dòng máy thở di động đa năng, hiện đại, chuyên dụng cho xe cứu thương và sử dụng tại nhà; MTV1000 cũng là máy thở di động mới bán chạy nhất tại Việt Nam ( xem chi tiết ).

  • Mức trợ giá chi tiết

Tên máy

Tình trạng máy cũ và mức trợ giá đổi máy mới

Hỏng hoàn toàn

Tình trạng trung bình

Tình trạng tốt

Newport HT50

30.000.000

69.000.000

89.000.000

(* Ngoài ra, An Sinh có chương trình trợ giá với các máy cũ khác đang sử dụng cho thuê. Xin vui lòng liên hệ lại để được tư vấn chi tiết)

  1. Một số lưu ý
  • Không áp dụng trong các trường hợp:

        –      Bệnh viện, cơ sở y tế tuyến công lập

        –      Các đơn vị đổi máy với mục đích bán lại

  • Tình trạng máy cũ sẽ được các kỹ sư có nhiều kinh nghiệm của An Sinh đánh giá và đưa ra định giá theo hướng định giá tốt nhất để trợ giá cao nhất cho khách hàng
  • Chương trình áp dụng từ 13/03 – 30/06/2023

Chương trình khuyến mại lớn nhất từ trước tới nay và số lượng có hạn nên Quý khách hàng nhanh tay đăng ký.

Chi tiết liên hệ: Công ty Thiết bị y tế An Sinh

PHÒNG DỊCH VỤ MÁY THỞ VÀ CHO THUÊ THIẾT BỊ Y TẾ

Hotline: 0941 465 115 (Zalo, WhatsApp) | Website: ansinhmed.comthuemaytho.vn

Chính phủ ban hành Nghị định mới giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong bệnh viện

(Chinhphu.vn) – Ngày 3/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT) nhằm giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập phát sinh trong thời gian vừa qua, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý và yêu cầu hội nhập trong lĩnh vực TTBYT.

Ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 98/2021/NĐ-CP nhiều nút thắt về trang thiết bị y tế đã được tháo gỡ

Thay đổi quản lý, kê khai giá trang thiết bị y tế.

Tự động gia hạn giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành, khơi thông các vướng mắc trong nhập khẩu trang thiết bị y tế

Để giải quyết tình trạng thiếu trang thiết bị do số giấy phép nhập khẩu TTBYT đã được cấp từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 hết hạn vào ngày 31/12/2022 và số đăng ký lưu hành TTBYT là sinh phẩm chẩn đoán in vitro đã được cấp từ ngày 01/01/2014 đến ngày 31/12/2017 hết hạn vào ngày 31/12/2022, trong khi đó tiến độ cấp mới số lưu hành TTBYT chậm, không đáp ứng nhu cầu; Nghị định số 07/2023/NĐ-CP quy định: (i) Giấy phép nhập khẩu TTBYT đã được cấp từ ngày 1/1/2018 đến 31/12/2021 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024; (ii) Số đăng ký lưu hành đối với TTBYT là sinh phẩm chẩn đoán in vitro đã được cấp từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2019 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Các tổ chức đã được cấp giấy phép nhập khẩu, số lưu hành TTBYT phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng, số lượng, chủng loại, mục đích sử dụng của TTBYT.

Bộ Y tế sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra và thu hồi giấy phép nhập khẩu, số lưu hành TTBYT đối với các trường hợp vi phạm quy định về quản lý TTBYT.

Chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị định xác định từ năm 2025 sẽ chuyển từ hình thức tiền kiểm sang hậu kiểm, số lưu hành có giá trị không thời hạn gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp về thông tin TTBYT và trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong tổ chức thanh tra, kiểm tra. Trong thời gian từ nay đến 31/12/2024 Bộ Y tế tập trung triển khai thực hiện việc cấp giấy phép lưu hành để thay thế hoàn toàn cho các giấy phép nhập khẩu.

Đồng thời Nghị định cũng quy định về trách nhiệm hậu kiểm của Bộ Y tế; bổ sung Điều 39a về việc xử lý thiết bị y tế sau khi thu hồi số lưu hành. Theo đó, các TTBYT đã bán cho các cơ sở y tế hoặc người sử dụng được tiếp tục sử dụng đến khi bị thanh lý theo quy định pháp luật hoặc đến khi hết hạn sử dụng của sản phẩm, trừ các TTBYT không thể khắc phục được yếu tố lỗi gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng theo quy định.

Trường hợp TTBYT có số lưu hành bị thu hồi nhưng chưa bán đến người sử dụng hoặc cơ sở y tế, chủ sở hữu số lưu hành có trách nhiệm dừng lưu hành TTBYT và thực hiện các biện pháp thu hồi các TTBYT.

Thay đổi quản lý, kê khai giá TTBYT

Nghị định số 07/2023/NĐ-CP quy định thực hiện niêm yết giá đối với tất cả TTBYT tại các địa điểm quy định của pháp luật về giá hoặc trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế (quy định hiện hành yêu cầu phải kê khai giá TTBYT đối với tất cả hơn 200.000 chủng loại, mỗi chủng loại lại có nhiều cấu hình, tính năng kỹ thuật khác nhau,… gây quá tải cho ngành y tế, không đảm bảo cập nhật kịp thời).

Chỉ thực hiện kê khai giá đối với TTBYT khi có biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến nguồn cung cấp TTBYT, khả năng chi trả của người mua, khả năng thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, cập nhật, sửa đổi, bổ sung danh mục và nội dung thông tin TTBYT phải kê khai giá. Nội dung, hình thức, trình tự thủ tục kê khai giá TTBYT thực hiện theo quy định của pháp luật về giá hoặc trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Khắc phục những vướng mắc lớn trong việc áp dụng quy định kê khai giá trong đấu thầu: “Không được mua bán TTBYT khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán” đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và các cơ sở y tế trong việc thực hiện kê khai giá và các thủ tục đấu thầu.

Thay đổi phương thức để khắc phục những vướng mắc trong xác định thời điểm mua bán trong quá trình mua sắm, đấu thầu tại các cơ sở y tế công lập: Là thời điểm nào trong các bước: (1) thời điểm lập dự toán mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu; (2) thời điểm thương thảo hợp đồng trong quy trình đấu thầu; (3) thời điểm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; (4) thời điểm ký hợp đồng mua bán hay (5) thời điểm giao nhận hàng.

Xử lý TTBYT bị thu hồi số đăng ký lưu hành

Nghị định số 07/2023/NĐ-CP cũng quy ban hành các quy định để giải quyết vướng mắc trong việc xử lý TTBYT khi bị thu hồi số đăng ký lưu hành vì vậy có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân, cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện, xử lý TTBYT có số đăng ký lưu hành đã bị thu hồi.

Sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất TTBYT

Nhằm gỡ vướng những khó khăn trong xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất TTBYT, Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 46, Điều 48 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP theo hướng: Việc nhập khẩu TTBYT đã qua sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương; Bộ Y tế không cấp giấy phép nhập khẩu TTBYT đã qua sử dụng.

Chính phủ đã xem xét để ban hành Nghị quyết của Chính phủ để thí điểm các cơ chế chính sách để bảo đảm thuốc, TTBYT và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện đặc thù của lĩnh vực y tế cho đến khi các văn bản pháp quy có liên quan được ban hành.

Theo baochinhphu.vn

Tại cuộc làm việc với Lãnh đạo Bộ Y tế, một số bệnh viện lớn và sở y tế các địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Y tế là lĩnh vực đặc biệt nên cơ chế, chính sách phải đặc biệt. Các bộ, ngành phải vào cuộc cùng Bộ Y tế khắc phục khó khăn, vướng mắc…

Ngày 9/2, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Y tế về tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý, đầu thấu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế và một số nội dung quan trọng khác.

Tham gia buổi làm việc của Phó Thủ tướng có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành Trung ương.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Các bộ, ngành phải vào cuộc cùng Bộ Y tế khắc phục khó khăn, vướng mắc
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị tất cả bộ, ngành vào cuộc cùng Bộ Y tế khắc phục khó khăn, vướng mắc, trong đó có những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhân viên y tế, bảo đảm thực hiện tốt nhất công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân

Về phía ngành y tế có: Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên; Thứ trưởng Trần Văn Thuấn; Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương; Thứ trưởng Lê Đức Luận; lãnh đạo các cục/vụ/viện/đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Đại diện lãnh đạo một số bệnh viện Trung ương và Hà Nội; đại diện một số sở y tế tham dự buổi làm việc.

Đội ngũ cán bộ y tế, y bác sỹ đã nỗ lực, cống hiến, hy sinh trên tuyến đầu chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khoẻ nhân dân

Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp nghe Lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo, kiến nghị đề xuất những giải pháp để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của ngành; Nghe và trao đổi với đại diện lãnh đạo một số bệnh viện, sở y tế các địa phương, bộ/ngành về thực trạng; khó khăn, vướng mắc; giải pháp đang thực hiện và kiến nghị cụ thể trong công tác quản lý, mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; tự chủ bệnh viện; cơ chế tài chính để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh…

Phó Thủ tướng cho rằng, những vấn đề đặt ra tại cuộc họp là rất cấp thiết, liên quan đến sức khoẻ, tính mạng của người dân, “cả vi mô lẫn vĩ mô”.

Phó Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương đội ngũ cán bộ y tế, y bác sỹ đã nỗ lực, cống hiến, hy sinh hết sức mình trên tuyến đầu chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân; Đồng thời chia sẻ những khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực, nặng nề của đại dịch đối với ngành y tế về nguồn lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất,…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Các bộ, ngành phải vào cuộc cùng Bộ Y tế khắc phục khó khăn, vướng mắc
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc

Theo Phó Thủ tướng, nhiều cơ chế, chính sách trước đây đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, tồn tại sau khi “cơn bão” COVID-19 đi qua. Đơn cử, mô hình tự chủ bệnh viện vốn là điểm sáng cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không còn phù hợp. Công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, xã hội hoá trong cơ sở y tế công lập… nảy sinh những vấn đề không lường trước được.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế “xốc lại với quyết tâm mới, một tinh thần làm việc, công hiến tận tuỵ”, “lấy lại động lực như thời điểm trước khi xảy ra đại dịch”, xứng đáng là “lương y như từ mẫu”, làm rõ nguyên nhân tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, thuốc, trang thiết bị vật tư, y tế, giải ngân vốn đầu tư công…, từ đó xác định những vấn đề cần giải quyết cấp bách hoặc xử lý một cách căn cơ, bài bản.

Theo Phó Thủ tướng, cơ chế, chính sách về y tế sau đại dịch COVID-19 bộc lộ nhiều hạn chế, còn có sự đổi mới, nhất là lĩnh vực y tế dự phòng, bảo đảm tính năng động, sáng tạo, có khả năng chống chịu với các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Các bộ, ngành phải vào cuộc cùng Bộ Y tế khắc phục khó khăn, vướng mắc
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại cuộc làm việc

Ngành y tế phải rà soát cụ thể từng điều, khoản, thông tư, nghị định, luật cần sửa đổi, bổ sung về tự chủ, xã hội hoá, mua sắm, đấu thầu,…; Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nhằm xây dựng được những chính sách cốt lõi, năng động, có tính chất đặc thù, riêng biệt để ngành y tế thực hiện tốt những nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong giai đoạn khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ; tạo sự gắn kết giữa y tế công lập với y tế tư nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ…

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tập hợp ý kiến của các địa phương, cơ sở y tế nhằm đưa hết các vấn đề vướng mắc vào những nghị định, thông tư đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung; nghiên cứu, đề xuất phương án “một luật sửa nhiều luật” hoặc “một nghị định sửa nhiều nghị định” đối với những vấn đề cấp bách, cần tháo gỡ ngay thay vì “ngồi chờ sửa toàn diện”; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đang chủ trì xây dựng những luật có liên quan đến lĩnh vực y tế, đồng thời, sớm đề xuất, chủ động xây dựng nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện luật phù hợp với chuyên môn, đặc thù của ngành y tế.

Y tế là lĩnh vực đặc biệt nên cơ chế, chính sách phải đặc biệt

Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng lưu ý: Luật Khám bệnh chữa bệnh sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2024, Bộ Y tế cần sớm báo cáo với Chính phủ về kế hoạch xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện như nghị định, thông tư.

Về tự chủ bệnh viện công lập, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tổng kết, đánh giá toàn diện các mô hình đã có, cả thành công, hiệu quả cũng như bài học kinh nghiệm rút ra, làm cơ sở để tiếp tục triển khai chủ trương này cùng với thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và các chính sách khuyến khích xã hội hoá y tế, hợp tác công-tư…

Theo Phó Thủ tướng, tự chủ bệnh viện phải bảo đảm công bằng, bình đẳng của người bệnh khi sử dụng dịch y tế được bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám chữa bệnh theo yêu cầu; bảo đảm chế độ, chính sách, thu nhập của y bác sĩ; phù hợp với quy luật thị trường. Bộ Y tế cần thúc đẩy tự chủ bệnh viện mức độ cao tại những đô thị, địa bàn có điều kiện về kinh tế để dành nguồn lực cho các bệnh viện vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về hướng tháo gỡ khó khăn cho dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức một cách “khả thi, linh hoạt” chứ không chỉ “làm theo đúng quy trình, hết trách nhiệm”; xây dựng tiêu chí chặt chẽ, cải cách thủ tục để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Các bộ, ngành phải vào cuộc cùng Bộ Y tế khắc phục khó khăn, vướng mắc
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thay mặt Bộ Y tế báo cáo một số nội dung trong công tác y tế hiện nay

Phó Thủ tướng nêu rõ, những vấn đề của ngành y tế rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Y tế là lĩnh vực đặc biệt nên cơ chế, chính sách phải đặc biệt. Các bộ, ngành phải vào cuộc cùng Bộ Y tế khắc phục khó khăn, vướng mắc, trong đó có những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhân viên y tế, bảo đảm thực hiện tốt nhất công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.

Theo báo Sức khỏe & Đời sống

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định 62/QĐ-BYT công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực bảo hiểm y tế thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế quy định tại Nghị định 104/2022/NĐ-CP sửa đổi.

Theo đó, thủ tục cấp lại thẻ bảo hiểm y tế được quy định như sau:

1. Điều kiện thực hiện thủ tục cấp lại thẻ bảo hiểm y tế

– Thẻ BHYT được cấp lại trong trường hợp sau đây: Người tham gia BHYT bị mất thẻ BHYT, trường hợp thẻ BHYT bị lỗi do tổ chức BHYT hoặc cơ quan lập danh sách.

– Trong thời gian chờ cấp lại thẻ, người tham gia BHYT vẫn được hưởng quyền lợi BHYT

2. Hồ sơ cấp lại thẻ bảo hiểm y tế

Thành phần hồ sơ cấp lại thẻ bảo hiểm y tế, bao gồm:

– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành;

– Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp lại thẻ BHYT theo Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, đã được sửa đổi Nghị định 104/2022/NĐ-CP .

*Số lượng hồ sơ: 01 bộ

3. Thủ tục cấp lại thẻ bảo hiểm y tế

Bước 1: Người tham gia BHYT cần cấp lại thẻ BHYT đến cơ quan BHXH tỉnh, luyện;

Ghi Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT (do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành);

Nộp bộ phận một cửa cơ quan BHXH tỉnh, huyện;

Chờ ký (vào ô người nộp hồ sơ) trong Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp lại thẻ BHYT theo Mẫu số 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, đã được sửa đổi bởi Nghị định 104/2022/NĐ-CP .

Bước 2: Cơ quan BHXH

– Cán bộ bộ phận một cửa cơ quan BHXH tỉnh, huyện kiểm tra, nhận Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT;

Ghi Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp lại thẻ BHYT theo Mẫu số 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP đã được sửa đổi bởi Nghị định 104/2022/NĐ-CP và ký (vào ô người tiếp nhận hồ sơ và đưa Mẫu 4 tới người tham gia BHYT ký vào ô người nộp hồ sơ).

– Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ cấp lại thẻ BHYT. Tổ chức BHYT phải cấp lại thẻ BHYT cho người tham gia BHYT.

*Cách thức thực hiện: Trực tiếp, qua đường bưu điện.

*Thời hạn thực hiện: 07 ngày làm việc

*Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính: Cơ quan BHXH tỉnh, huyện

*Lệ phí, phí: Không

Hướng dẫn điền mẫu giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp lại thẻ BHYT
Hướng dẫn:

– Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả được lập thành 02 liên, một liên giao cho cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ, một liên chuyên cùng hồ sơ cho Bộ phận nghiệp vụ sau đó lưu tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

– Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả được lập cho từng loại hồ sơ theo từng thủ tục hành chính (ví dụ: một đơn vị nộp 3 loại hồ sơ khác nhau thì sẽ có 3 giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả).

– Tại phần nội dung yêu cầu giải quyết: Ghi tóm tắt yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính.

Thủ tục cấp lại thẻ bảo hiểm y tế mới nhất – 1
Một số trường hợp cần lưu ý:

+ Trường hợp cá nhân yêu cầu cấp lại, gộp, đổi, điều chỉnh thông tin đã ghi trên thẻ bảo hiểm y tế:

Viên chức Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả ghi đầy đủ nội dung mà cá nhân yêu cầu giải quyết; đồng thời ghi mã thẻ bảo hiểm y tế cũ để sử dụng Phiếu hẹn thay thế thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh;

+ Trường hợp đơn vị yêu cầu cấp lại, gộp, đổi, điều chỉnh thông tin đã ghi trên thẻ bảo hiểm y tế: viên chức Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ kèm theo Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia bảo hiểm y tế.

+ Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế đề nghị cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm có thời gian tham gia bảo hiểm y tế ở nhiều nơi khác nhau ghi cụ thể tên đơn vị tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tỉnh/thành phố nơi đã đóng bảo hiểm y tế.

– Cá nhân đăng ký nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội, khi đến nhận kết quả là tiền giải quyết chế độ bảo hiểm y tế, viên chức bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hướng dẫn cá nhân như sau:

+ Người hưởng chế độ trực tiếp nhận:

Cung cấp giấy hẹn và thẻ Căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân.

+ Người khác nhận thay:

– Nếu là thân nhân của người hưởng chế độ: cung cấp giấy hẹn, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân và một trong các giấy tờ chứng minh là thân nhân của người hưởng bảo hiểm y tế sau:

Bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

– Nếu là người giám hộ:

Cung cấp giấy hẹn, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân, giấy tờ chứng minh là giám hộ đương nhiên của người hưởng bảo hiểm y tế (bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).

Trong trường hợp không có người giám hộ đương nhiên theo quy định của pháp luật thì cung cấp giấy hẹn, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân, quyết định công nhận việc giám hộ của cấp có thẩm quyền.

– Nếu không phải là thân nhân hoặc người giám hộ nêu trên:

Cung cấp giấy hẹn, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân, giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật hiện hành.

Xem thêm tại Quyết định 62/QĐ-BYT có hiệu lực từ ngày 12-1-2023.