Thiết bị y tế An Sinh

Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trong các tháng thời tiết mùa đông vừa qua, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ tăng lên.
Theo chuyên gia, nguy cơ bị đột quỵ tăng 80%, đặc biệt khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C và nhiệt độ giảm đột ngột.

Vì nhiệt độ lạnh có thể làm mạch máu co lại, gây tăng huyết áp. Và nó cũng có thể làm máu cô đặc lại, có thể dẫn đến hình thành cục máu đông. Hơn nữa trong mùa đông lạnh, nhiều người trở nên lười vận động tập thể thao và đây cũng có thể là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy đột quỵ não tăng lên khi trời lạnh. Cụ thể, một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí Đột quỵ và Bệnh mạch máu não đã kiểm tra gần 172.000 ca nhập viện do đột quỵ thiếu máu não cục bộ ở Hoa Kỳ và nhận thấy đột quỵ gia tăng đáng kể khi thời tiết lạnh hơn và đặc biệt khi nhiệt độ có sự dao động lớn.

Một nghiên cứu của Đức trên Tạp chí Dịch tễ học Châu Âu nhận thấy rằng khi nhiệt độ giảm 2,9 độ trong 24 giờ, đột quỵ não tăng 11% và đặc biệt, tỷ lệ này sẽ cao hơn đối với những người có sẵn nguy cơ đột quỵ như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch…

Hay một nghiên cứu trên khoảng 56.000 ca tử vong do đột quỵ não trong hơn 10 năm ở Sao Paolo, Brazil, cho thấy nhiệt độ giảm làm tăng số ca tử vong do đột quỵ não, đặc biệt là ở những người trên 65 tuổi.

Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia, thực hiện 7 điều sau để phòng nguy cơ đột quỵ:

 

để phòng ngừa đột quỵ

1. Theo dõi huyết áp chặt

Khi thời tiết thay đổi, nóng lạnh đột ngột đều tác động mạnh lên huyết áp. Vì thế, việc theo dõi huyết áp chặt mỗi ngày là rất cần thiết đối với mỗi người. Ngay khi cơ thể có những thay đổi nhẹ hoặc huyết áp tăng cao bất thường, cần lập tức liên hệ với bác sĩ để có thể phải kê đơn và điều chỉnh thuốc cho bạn.

2. Kiểm soát các bệnh nền

Bác sĩ yêu cầu người già, người có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch… cần kiểm soát bệnh thật tốt bằng cách khám định kỳ, dùng thuốc theo đúng chỉ định.

3. Tránh tiếp xúc đột ngột với thời tiết lạnh

Thời tiết lạnh, đặc biệt là khi nhiệt độ giảm đột ngột sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ não. Vì thế, cần tránh tiếp xúc đột ngột với thời tiết lạnh, đặc biệt khi trời lạnh dưới 15 độ C. Mặc quần áo ấm phù hợp khi đi ra ngoài: đội mũ len, đeo găng tay, đi giầy, mặc quần áo ấm.

4. Duy trì cân nặng hợp lý

Để phòng đột quỵ, mỗi người cần duy trì hoạt động thể chất thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ. Người béo phì cần giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý.

5. Chú ý chế độ ăn uống

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: không ăn mặn, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol. Không uống rượu và ăn quá nhiều.

6. Tránh căng thẳng, stress quá mức.
7. Không hút thuốc lá, thuốc lào.

Theo Báo Dân trí

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến rất tâm huyết, thẳng thắn giúp ngành Y tế vượt qua khó khăn để phát triển, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.

Đại biểu Quốc hội luôn đồng hành, chia sẻ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành y tế 

Trước những khó khăn, thách thức của ngành Y tế đã và đang gặp phải suốt thời gian qua, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến rất tâm huyết, thẳng thắn giúp ngành Y tế vượt qua khó khăn để phát triển, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.

Kiến nghị dành nguồn lực cho Y tế

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 ở Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đã nêu quan điểm của mình trước tình trạng nhân viên ngành Y tế nghỉ việc, chuyển việc trong thời gian qua. Theo nữ ĐBQH tỉnh Thái Bình, nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng quyết định đến thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

ĐBQH Trần Khánh Thu nhận định, việc phấn đấu chỉ tiêu năm 2023 đạt 12 bác sĩ trên 10.000 dân thì ngành Y tế phải tăng thêm 20.000 bác sĩ. Đại biểu cho rằng: “Đây là một thách thức cho ngành Y tế, nếu không có giải pháp căn cơ trước mắt để ngăn tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc. Để đào tạo một cán bộ y tế giỏi không phải một sớm một chiều”.

Đại biểu Quốc hội luôn đồng hành, chia sẻ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành y tế 

ĐBQH Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình)

Bên cạnh đó, ĐBQH Trần Khánh Thu cũng nêu lên một trong những nguyên nhân khiến nhân viên y tế phải nghỉ việc, chuyển việc đó là thu nhập chưa đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống. Lấy ví dụ cụ thể về lương, phụ cấp của nhân viên y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, đại biểu Khánh Thu cho biết: “Một bác sĩ sau khi học 6 năm, 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề nếu tuyển dụng vào đơn vị công lập ngay thì nhận được 3.486.000 đồng, phụ cấp ưu đãi nghề là 40%. Sau khi nộp các khoản phí, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thì một bác sĩ lương nhận về chưa đến 4 triệu đồng, một điều dưỡng chưa đến 3 triệu đồng”.

Từ thực tế trên, đại biểu Trần Khánh Thu kiến nghị cần có giải pháp cấp bách để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành Y tế: “Chính phủ khẩn trương đôn đốc thực hiện giải ngân gói đầu tư nâng cao năng lực y tế của hệ thống y tế theo Nghị quyết 30 và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ trong việc phân bổ ngân sách Nhà nước cần dành nguồn lực thích hợp cho ngành Y tế ổn định và phát triển”.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn).

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn)

Cũng tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đồng tình trước việc các ĐBQH cho rằng nhân viên y tế nghỉ việc do thu nhập thấp, nhưng đại biểu cho rằng, bên cạnh đó còn nguyên nhân nữa là do liên quan đến áp lực công việc và môi trường công tác. Nữ đại biểu tỉnh Bắc Kạn dẫn chứng, hiện các bệnh viện đều trong tình trạng quá tải. Đơn cử như Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 9.000 người bệnh đến khám và có khoảng 4.000 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Nhiều bệnh viện các y, bác sĩ phải có mặt từ 6 giờ sáng để khám cho bệnh nhân. Mỗi ngày có những bác sĩ khám vài chục, thậm chí cả trăm bệnh nhân, nên áp lực rất lớn.

“Nhiều bác sĩ cho biết, họ thường xuyên phải làm việc quá tải. Dịch COVID-19 ập đến thì vất vả hơn, nhất là các trạm y tế xã, phường, vốn đã ít người nay phải đảm trách nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu Quốc gia, vừa phải tỏa đi khắp nơi lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý các F0, tiêm chủng vaccine. Trong khi đó, lương tháng chỉ có 5 triệu đồng”, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích, một nguyên nhân nữa là do môi trường làm việc chưa thực sự tạo cơ hội để nhân viên y tế cống hiến hết mình đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của y, bác sĩ: “Vẫn biết rằng dịch chuyển nhân lực là điều bình thường đối với bất cứ ngành nghề nào. Tuy nhiên, việc chuyển nhân lực với số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại trong ngành Y tế thời gian qua thì cần phải đánh giá đúng, đủ nguyên nhân. Ngành Y là một ngành đặc biệt, cần được đào tạo đặc biệt và đãi ngộ đặc biệt. Sẽ khó để nuôi dưỡng đam mê khi áp lực công việc cao nhưng thu nhập không đủ trang trải cuộc sống”.

“Khơi thông” mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế

Trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Giá (sửa đổi) và dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) đề nghị cần có một chương riêng về đấu thầu y tế. ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, đây là vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của cả cộng đồng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, do đó cần có chương riêng trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo hướng đơn giản hơn, nhấn mạnh đến yếu tố chất lượng để đánh giá. Đồng thời đề nghị cần tôn trọng kết quả đấu thầu, trong dự thảo Luật phải quy định rõ ràng.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh).

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh)

Liên quan đến quy định đấu thầu thuốc, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị quy định đấu thầu thuốc phải xây dựng giá kế hoạch; không được lấy giá trúng thầu năm nay làm giá kế hoạch năm sau; phải có căn cứ nghiên cứu dựa trên giá thị trường như thế nào; chỉ số trượt giá cũng như các yếu tố tác động để tránh tình trạng chỉ có thuốc rất rẻ mới tham gia đấu thầu được.

Đối với vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế, đại biểu nhấn mạnh, đây là những thứ không thể thiếu của bệnh viện và liên quan đến sức khỏe của người dân nhưng không có nhà thầu nào tham gia. Do vậy, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất và cần có những cơ chế ràng buộc trong việc tự chủ bệnh viện.

Đóng góp ý kiến cho dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng, hiện nay, trang thiết bị y tế là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển khoa học rất nhanh, yếu tố công nghệ, bản quyền rất cao. Một số loại máy móc rất hiện đại như máy robot trong phẫu thuật, trên thế giới có rất ít nhà sản xuất, việc mua sắm sẽ không thể có giá để tham khảo. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất bổ sung thêm trường hợp chỉ định thầu dành cho việc thực hiện mua một số loại trang thiết bị y tế đặc chủng trên thế giới chỉ có 1 hoặc 2 nhà sản xuất, chế tạo và bán thương mại trên thị trường.

Về chỉ định thầu rút gọn, thực tế trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát vì tính chất cấp bách của công tác chống dịch, nhiều cơ sở y tế phải triển khai ngay các nhiệm vụ chuyên môn nên đã phải vay mượn trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư tiêu hao của các đơn vị y tế tư nhân, sau đó hợp thức hồ sơ đấu thầu để mua sản phẩm của đơn vị đã vay và mượn. Nếu làm như vậy là đã vi phạm quy định tại Luật Đấu thầu. Hình thức chỉ định thầu rút gọn có thể giải quyết được những tồn tại này. Nghị định 63/2014/NĐ-CP đã có quy định chi tiết về hình thức đấu thầu rút gọn đối với thuốc trong trường hợp cấp bách, dịch bệnh.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH Hà Nội).

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH Hà Nội)

Tuy nhiên, đối với trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất thì lại không có quy định. Hình thức chỉ định thầu rút gọn đã được đề cập rất ngắn gọn trong khoản 2 Điều 40 của dự thảo. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần quy định về chỉ định thầu rút gọn trong trường hợp cấp bách, thiên tai, dịch bệnh, mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn gồm cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm và thuốc. Nội dung dự thảo cần quy định phân biệt các trường hợp chỉ định thầu rút gọn và chỉ định thầu thông thường, không để xảy ra lúng túng trong việc áp dụng pháp luật như hiện nay.

Phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ về các vấn đề kinh tế – xã hội, ĐBQH Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) bày tỏ: “Tôi cho rằng ngành Y tế cũng rất khó khăn. Không thể kỳ vọng đồng chí Bộ trưởng mới một ngày một bữa mà có cái “đũa thần” để xử lý hết những khó khăn, vướng mắc. Để giải quyết cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chứ một mình ngành Y tế sẽ rất khó”.

ĐBQH Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai).

ĐBQH Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai)

Tại các kỳ họp Quốc hội trong năm 2022 vừa qua, rất nhiều ĐBQH đã đóng góp ý kiến tâm huyết, đồng hành, chia sẻ giúp ngành Y tế có thể từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đây là nhiệm vụ đầy khó khăn, vất vả nhưng rất đáng tự hào, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nhắn nhủ tại bức thư gửi Hội nghị cán bộ y tế năm 1955: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang…”

Theo Lê Bảo – Báo Sức khỏe & Đời sống

Giai đoạn 2021-2030 phấn đấu nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân.

Tại Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 có nêu rõ, về kinh tế phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 – 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Về xã hội, duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); quy mô dân số đạt khoảng 105 triệu người. Chỉ số HDI duy trì ở mức trên 0,7. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm.

các đại biểu bấm nút quy hoạch

Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh và 19 bác sĩ trên 1 vạn dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%.

Tại Điều 8, định hướng phát triển hạ tầng xã hội, Nghị quyết nêu rõ, phát triển đồng bộ mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển bền vững của đất nước… Phát triển các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia; nâng cấp, xây dựng một số đại học, trường đại học lớn và trường đại học sư phạm, đào tạo y khoa trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao, có uy tín trong khu vực và thế giới.

Phấn đấu đến năm 2030 chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực

Đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh và 19 bác sĩ trên 1 vạn dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%

Xây dựng, nâng cấp và sắp xếp, phân bố không gian mạng lưới cơ sở y tế phù hợp, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận thuận lợi đối với các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.

Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng; gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại, quân y và dân y. Phát triển dược liệu, công nghiệp dược và thiết bị y tế.

Bảo đảm mỗi vùng có cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu. Xây dựng một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngang tầm khu vực và quốc tế; hình thành, phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu hiện đại.

Xây dựng trung tâm kiểm soát bệnh tật quốc gia; xây dựng một số cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine quốc gia. Phát triển các trung tâm kiểm nghiệm cấp vùng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn về thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế…

Nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công. Nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng phương pháp chuyên môn, kỹ thuật sâu tích hợp giữa điều dưỡng và nuôi dưỡng với chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc xã hội khác cho người có công.

Theo: Báo Sức khỏe & Đời sống

Số lượng bệnh nhân đến khám ngoại trú tại Bệnh viện Tim Hà Nội gần đây tăng khoảng 5-10%. Trong đó chủ yếu là các bệnh lý tăng huyết áp, đột quỵ…

Chia sẻ bên lề hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo tuyến, đề án bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết trong những ngày thời tiết chuyển lạnh, số lượng bệnh nhân đến khám ngoại trú tăng 5-10%, chủ yếu là các bệnh lý tăng huyết áp, đột quỵ, lóc tách động mạch chủ do tăng huyết áp… Lý do vì trời lạnh gây co mạch, dẫn đến tăng huyết áp. Người bệnh cũng ít quan tâm đến huyết áp hơn so với mùa hè.

Vì thế, để giữ sức khỏe trái tim, điều quan trọng người bệnh cần lưu ý là không được bỏ thuốc, uống đều đặn theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, chú ý đo huyết áp thường xuyên, ít nhất 2 lần mỗi ngày, mỗi lần cách nhau 10-15 phút, đo khi nghỉ ngơi.

Kiểm tra huyết áp thường xuyên, đảm bảo theo dõi sức khỏe vào mùa lạnh

Bên cạnh đó, người dân cần duy trì thói quen tập thể dục, chế độ ăn uống phù hợp với bệnh lý… Tuy nhiên, cần chú ý có giai đoạn khởi động hợp lý, đặc biệt là giai đoạn làm nóng cơ thể, sau đó bỏ bớt đồ và duy trì các bài tập thường xuyên. Không nên tập thể dục ngoài trời trước 6h30 sáng để tránh bị nhiễm lạnh.

“Không phải vì mùa đông mà ăn nhiều dầu mỡ hơn, hút thuốc, uống rượu, người bệnh vẫn cần thực hiện tiết chế dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe”, PGS Hiền nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần uống đủ nước đủ nước để quá trình chuyển hóa, trao đổi chất không bị ngưng trệ. Tránh đi ra ngoài vào ban đêm và thay đổi tư thế đột ngột, tránh gió lùa. Khi ngủ dậy cần ra khỏi giường một cách từ từ, đồng thời mặc đủ quần áo ấm. Không nên dậy vào lúc 4-5 giờ sáng vì lúc đó huyết áp hay tăng.

Bệnh lý tim mạch – nguyên nhân gây tử vong hàng đầu

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, dù là ở các nước phát triển hay đang phát triển. Tại Việt Nam, bệnh lý tim mạch cũng thuộc nhóm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong nhóm bệnh không lây nhiễm, đang tạo nên gánh nặng cho hệ thống y tế cũng như gánh nặng về chi phí điều trị cho người dân.

Vì vậy, việc phát triển mạng lưới khám chữa bệnh về tim mạch rộng khắp từ trung ương tới địa phương với chất lượng ngày càng cao đóng vai trò quan trọng.

Để giải quyết bài toán này, Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020 do Bộ Y tế xây dựng đã được triển khai trên nhiều bệnh viện nhằm phát triển công tác khám chữa bệnh tim mạch trên toàn quốc. Bệnh viện Tim Hà Nội được chọn tham gia với vai trò là bệnh viện hạt nhân.

“Đây là đơn vị duy nhất thuộc Sở Y tế Hà Nội, cũng là đơn vị y tế tuyến tỉnh duy nhất trong cả nước được Bộ tin tưởng giao trọng trách và dám “cầm cờ”, cùng với các bệnh viện trung ương trong việc hỗ trợ chỉ đạo các tuyến để phát triển chuyên ngành tim mạch”, Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.

Bệnh viện Tim Hà Nội không chỉ chuyển giao những kỹ thuật cơ bản mà cả những kỹ thuật hàng đầu, công nghệ tiên tiến, cập nhật mới để có thể thiết lập được một mạng lưới phát triển về tim mạch.

Nguồn: Báo Dân trí

Thứ trường Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã tiếp ngài Jir Kozák, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hoà Séc. Tại buổi tiếp, hai bên cùng trao đổi một số nội dung hợp tác liên quan đến lĩnh vực y tế như: dược phẩm, trang thiết bị y tế, khoa học, đào tạo nhân lực, trao đổi chuyên gia, phát triển y tế cơ sở.

Tham dự buổi tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc diễn ra ngày 12/12 ở Bộ Y tế cùng Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên còn có đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Cục Quản lý Dược, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo.


Thứ trường Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi tiếp.

Về phía đoàn Cộng hòa Séc có ngài Hynek Kmonicek, Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam; bà Nikola Sichlerova, Tham tán Kinh tế; ông Marek Svoboda, Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngoại giao, Bộ Ngoại giao Séc và cán bộ Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chào mừng ngài Jir Kozák, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc và đoàn công tác đến thăm, làm việc tại Bộ Y tế đồng thời đánh giá quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đã có nhiều khởi sắc trong thời gian qua.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong giai đoạn từ năm 2020 dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp trên toàn cầu, các nước cần tăng cường hợp tác và hỗ trợ nhau trong phòng, chống dịch bệnh, thúc đẩy việc sản xuất và cung cấp vaccine.

Ngày 30/8/2021 Cộng hòa Séc đã tặng Việt Nam 250.800 liều vaccine phòng COVID-19 nhằm góp phần hỗ trợ nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, đây là món quà hết sức quý báu và kịp thời với Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Việt Nam đã sử dụng hiệu quả nguồn vaccine hỗ trợ quý báu của Cộng hòa Séc.

“Tôi gửi lời cảm ơn trân trọng đến Chính phủ và nhân dân Cộng hòa Séc thời gian qua đã ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam” – Thứ trưởng nói.


Ngài Jir Kozák, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc phát biểu tại buổi tiếp.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, trong thời gian tới Chính phủ Cộng hòa Séc quan tâm hợp tác hợp tác trong các lĩnh vực như: dược phẩm, trang thiết bị y tế, khoa học đào tạo nhân lực, trao đổi chuyên gia…

Tại buổi tiếp, ngài Jir Kozák, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc bày tỏ ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh quan hệ giữa Cộng hòa Séc và Việt Nam trong những năm gần đây có bước phát triển mới, tốt đẹp, đó là cơ sở thuận lợi thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước trong nhiều lĩnh vực, trong đó có mối quan hệ hợp tác về y tế.

Ngài Jir Kozák cho biết, từ năm 2016 – 2019, Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế Cộng hòa Séc chưa có hợp tác chính thức nào và mong muốn Chính phủ Việt Nam nói chung và ngành Y tế Việt Nam nói riêng sớm có những hợp tác y tế thời gian tới.

Tại buổi tiếp, hai bên đã cùng nhau trao đổi một số nội dung hợp tác liên quan đến lĩnh vực y tế như: dược phẩm, trang thiết bị y tế, khoa học đào tạo nhân lực, trao đổi chuyên gia, phát triển y tế cơ sở…

Về một số đề xuất hợp tác của Thứ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc và đoàn công tác, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên giao Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Cục Quản lý dược, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo tổng hợp sớm trình lãnh đạo Bộ phê duyệt.

Cũng tại buổi tiếp, Ngài Jir Kozák trân trọng mời Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cùng các đại biểu phía Bộ Y tế tham dự hội thảo Giải pháp y dược tiên tiến của Cộng hòa Séc diễn ra vào ngày mai 13/12 tại Hà Nội.


Các đại biểu tham dự buổi tiếp

Chương trình hội thảo tập trung giới thiệu công nghệ Séc và khả năng hợp tác giữa các doanh nghiệp Séc và Việt Nam trong lĩnh vực y tế và dược phẩm.

Nhận lời mời của ngài Jir Kozák, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên giao các đơn vị chuyên môn như Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Cục Quản lý Dược, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo tham dự và có báo cáo Thứ trưởng khi kết thúc hội thảo.

Theo Báo Sức khỏe & Đời sống

Thông tư số 14/2022/TT-BYT ngày 06/12/2022 của Bộ Y tế về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, liên tịch ban hành

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 06 năm 2020; 

Căn cứ Nghị định số 34/2016NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế , Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và Đào tạo,

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, liên tịch ban hành.

Điều 1. Bãi bỏ toàn bộ năm (05) văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, liên tịch ban hành

1. Quyết định số 36/2006/QĐ-BYT ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Quy định về thử nghiệm lâm sàng trang thiết bị y tế”.

2. Quyết định số 19/2008/QĐ-BYT ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chế làm việc của Bộ Y tế.

3. Quyết định số 38/2008/QĐ-BYT ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Quy định mức giới hạn tối đa của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm”.

4. Thông tư số 09/2013/TT-BYT ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế về y tế tại Việt Nam.

5. Thông tư liên tịch số 48/2014/TTLT-BYT-BTNMT ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế.

Điều 2. Bãi bỏ một phần quy định của hai (02) Thông tư do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

1. Thông tư số 26/2019/TT-BYT ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về danh mục thuốc hiếm: Bãi bỏ Điều 9 và cụm từ ” và cập nhật Quyết định sửa đổi, bổ sung Danh mục thuốc hiếm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Y tế ký quyết định” tại Khoản 1 Điều 10.

2. Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10 tháng 7 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế (sau đây gọi tắt là Thông tư số 14/2020/TT-BYT): Bãi bỏ Khoản 3 Điều 8.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2023

2. Khoản 2 Điều 2 Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký ban hành Thông tư này.

Điều 4. Điều khoản chuyển tiếp đối với quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này

1. Kể từ ngày Khoản 2 Điều 2 Thông tư này có hiệu lực, việc xác định gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế thực hiện theo Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 , Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (sau đây gọi tắt là Nghị định số 63/2014/NĐ-CP) và các văn bản hướng dẫn có liên quan về xây dựng giá gói thầu của Bộ Tài chính , Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Đối với gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu có giá gói thầu thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 14/2020/TT-BYT trước ngày Khoản 2 Điều 2 thông tư này có hiệu lực thì cơ sở y tế tiếp tục thực hiện theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt hoặc thực hiện thủ tục để điều chỉnh giá gói thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13  ngày 26 tháng 11 năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan về xây dựng giá gói thầu của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Thông tin chi tiết xem tại: 06tt.signed-1

Thời gian qua các đơn vị thuộc Bộ Y tế tập trung đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó hàng trăm thủ tục hành chính đã được đơn giản hoá, cắt giảm để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tại cuộc họp chuyên đề về cải cách hành chính năm giai đoạn 2021-2025 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 theo Nghị quyết số 76/NQ ngày 15/7/2022 do Bộ Y tế vừa tổ chức, ông Nguyễn Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, ngày 18/7/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký ban hành Công văn số 3793/BYT-VPB6 chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Y tế tập trung đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trong năm 2022.

Quang cảnh cuộc họp chuyên đề cải cách hành chính năm 2022 tại Bộ Y tế (Ảnh: Trần Minh)

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, đổi mới nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Y tế tại Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 30/7/2021, trong thời gian qua các đơn vị của Bộ Y tế đã tập trung triển khai các nhiệm vụ được phân công và bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Theo kết quả chấm điểm chỉ số cải cách hành chính năm 2021 do Bộ Nội vụ công bố, điểm đánh giá về công tác kiểm soát thủ tục hành chính của Bộ Y tế đã nâng hạng lên đứng thứ 6/17 Bộ, ngành…

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm, NQ 76/NQ-CP giao Bộ Y tế tổ chức thực hiện chủ trì rà soát, làm rõ nội dung quản lý nhà nước về cung cấp dịch vụ y tế; Đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế;

Chủ trì xây dựng và hướng dẫn việc thực hiện phương pháp đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công; Chủ trì đổi mới chính sách bảo hiểm y tế; Đề án “Đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công”.

Bộ Y tế căn cứ nội dung tại Nghị quyết số 76/NQ-CP Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4958/QĐ-BYT ngày 26 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; Hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước của Chương trình với trọng tâm là cải cách thể chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành y tế trong giai đoạn 2021-2030.

Tại cuộc họp ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, 90% các cơ quan đã xử lý công việc trên môi trường điện tử; 70% lãnh đạo các cấp sử dụng chữ ký số; Hơn 15,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua trục liên thông văn bản quốc gia; 98% các đơn vị đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính;

45 bộ, cơ quan, địa phương đã triển khai phân hệ theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao…

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ tham luận tại hội nghị (Ảnh: Trần Minh)

Ông Ngô Hải Phan cũng cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1661/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Theo đó, Bộ Y tế đã cắt giảm, đơn giản hóa 167 quy định, trong đó có 153 quy định về thủ tục hành chính và 14 quy định về điều kiện kinh doanh…

Tại hội nghị, ông Đỗ Quý Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cho biết, chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2023 sẽ tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn 2021 – 2030….

Cũng tại cuộc họp các đại biểu và chuyên viên trực tiếp chuyên viên phụ trách cải cách hành chính tại các đơn vị thuộc Bộ Y tế đã cùng thảo luận một số khó khăn vướng mắc và trao đổi về giải đáp tháo gỡ trong quá trình thực hiện…

Theo Báo Sức khỏe & Đời sống

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký Quyết định 3155/QĐ-BYT ban hành kế hoạch thanh tra năm 2023. Dự kiến, năm 2023, Bộ Y tế thực hiện 41 cuộc thanh tra, trong đó giao Thanh tra Bộ Y tế 23 cuộc; các đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành 18 cuộc.

Kế hoạch thanh tra sẽ hướng về những nội dung đang được xã hội quan tâm, đang có vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện như khám chữa bệnh BHYT (6 cuộc); y tế dự phòng và an toàn thực phẩm (4 cuộc); dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế (7 cuộc); hành chính, phòng chống tham nhũng và tiếp dân, xử lý đơn thư (6 cuộc)…


Năm 2023, Bộ Y tế dự kiến sẽ thực hiện 41 cuộc thanh tra, trong đó thanh tra khám chữa bệnh BHYT… (Ảnh: minh hoạ)

Thanh tra trách nhiệm thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế

Cụ thể, tại Thanh tra Bộ Y tế, đối với lĩnh vực y tế dự phòng sẽ có 4 cuộc thanh tra công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế dự phòng và an toàn thực phẩm; thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Đối với lĩnh vực khám, chữa bệnh và BHYT (có 6 cuộc): Thanh tra trách nhiệm thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; công tác quản lý Nhà nước về khám chữa bệnh BHYT; thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh đối với những đối tượng bị bắt buộc chữa bệnh; thanh tra toàn diện công tác bệnh viện.

Đối với lĩnh vực dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế (có 7 cuộc): Thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về việc quản lý chất lượng thuốc, quản lý thuốc phải kiểm soát đặc biệt và đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; việc thực hiện quy chế chuyên môn dược và các quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc tại các cơ sở phân phối thuốc; kinh doanh dược liệu;

Công tác quản lý Nhà nước về việc tiếp nhận, thẩm định, cấp chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt phân phối thuốc, quản lý chất lượng thuốc, quản lý thuốc phải kiểm soát đặc biệt;

Việc thực hiên quy định của pháp luật về các hoạt động công bố, phân loại, đăng ký lưu hành, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế; việc thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký, lưu hành: quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm tại một số cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh tại một số địa phương.

Thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Tại kế hoạch này, đối với thanh tra hành chính, phòng chống tham nhũng và tiếp dân, xử lý đơn thư (có 6 cuộc): Thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tài chính, ngân sách; việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư một số đơn vị thuộc Bộ Y tế.

Đối với các đơn vị được giao thanh tra chuyên ngành, kế hoạch thanh tra năm 2023 của Bộ Y tế nêu rõ, tại Cục Y tế dự phòng sẽ thực hiện 2 cuộc thanh tra chuyên ngành việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng vaccine.

Cục Quản lý Dược sẽ thực hiện 2 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc và việc tuân thủ các tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc (GPs)


Bộ Y tế cũng thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về việc quản lý chất lượng thuốc, quản lý thuốc phải kiểm soát đặc biệt và đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế (Ảnh: minh hoạ)

Cục Quản lý Môi trường Y tế thực hiện 4 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo đảm chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; thanh tra đột xuất đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lĩnh vực bảo đảm chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt và hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh có 4 cuộc: Thanh tra quản lý Nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động; thanh tra việc tổ chức thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và chấp hành pháp luật về khám chữa bệnh.

Thanh tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; Các quy định của pháp luật để đảm bảo cân bằng giới tính

Tại Cục An toàn thực phẩm có 2 cuộc: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; thanh tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Tại Cục Dân số có 4 cuộc: Thanh tra việc triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án, mô hình về dân số – kế hoạch hoá gia đình, bao gồm các lĩnh vực: Quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số, các hoạt động dịch vụ công về dân số – kế hoạch hoá gia đình;

Việc thực hiện quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; Các quy định của pháp luật để đảm bảo cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên.

Theo Báo Sức khỏe & Đời sống

Đón chào tuần mới với nguồn năng lượng mới cùng sự hợp tác mới !

Vừa qua, công ty thiết bị y tế An Sinh hân hạnh được tiếp đón một đối tác lớn là đại học Pusan tới từ Hàn Quốc, với mong muốn cùng hợp tác phát triển và mở rộng thị trường máy thở tại Việt Nam. Tại đây, đại học Pusan Hàn Quốc đã tới thăm và làm việc với An Sinh, đồng thời hai bên đã đưa ra bản ký kết hợp tác dự án ” Cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho các dự án ODA Hàn Quốc tại Việt Nam “.

Pusan National University được biết đến là trường đại học Quốc tế lớn nổi tiếng, đồng thời là cái nôi đào tạo ngành Thiết bị Y sinh tại Hàn Quốc. Pusan đã trúng thầu và cũng là đối tác chính của Chính phủ Hàn Quốc trong các dự án ODA.

Với mục tiêu và chiến lược đã đề ra, An Sinh Medical vẫn luôn không ngừng nỗ lực, tăng cường phát triển chất lượng dịch vụ kỹ thuật song song với chất lượng sản phẩm thông qua các buổi đào tạo với hãng sản xuất và đối tác chiến lược.

Qua một thời gian tìm hiểu và làm việc cũng như đã khảo sát trung tâm kỹ thuật phía đối tác An Sinh, nhận thấy được An Sinh đảm bảo đáp ứng tốt trong lĩnh vực chuyên môn. Chính vì thế đại học quốc tế Pusan đã quyết định chính thức ký kết hợp tác dự án với công ty thiết bị y tế An Sinh.

Thông qua buổi gặp mặt trao đổi, hai bên đã đưa ra những định hướng và sự ưu tiên đầu tư từ phía đại học Pusan vào An Sinh Medical. Giai đoạn 1, dự án sẽ được triển khai tại 3 tỉnh thành là Lào Cai, Yên Bái và Đà Nẵng với rất nhiều trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó, các bệnh viện sẽ được đào tạo chuyên sâu về quy trình quản lý, vận hành trang thiết bị theo tiêu chuẩn Quốc tế. Đại diện phía đại học Pusan – Hàn Quốc chính là giáo sư, trưởng khoa điện tử Y sinh Yang Hyung-Kook.

Trải qua 12 năm thành lập và phát triển, đi cùng với đó là sự uy tín và định vị thương hiệu trên thị trường, An Sinh đã và đang mang đến giá thành cạnh tranh cùng dịch vụ chuyên nghiệp nhất dành cho khách hàng trên toàn quốc !

Đại dịch COVID-19 đã phần nào khiến chúng ta nhìn rõ hơn tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế đối với sứ mệnh chăm sóc sức khỏe toàn dân, cũng như phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Trong những năm gần đây, ngành chăm sóc sức khỏe đã có những chuyển biến tích cực với trọng tâm dựa trên đổi mới và sáng tạo. Công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân đã được cải thiện nhờ vào các tiến bộ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, lựa chọn dịch vụ phong phú, thuốc, công nghệ mới và các yếu tố khác.


Đại dịch COVID-19 đã phần nào cho thấy tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế đối với sứ mệnh chăm sóc sức khỏe toàn dân, cũng như phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (Ảnh:minh hoạ)

Tại Việt Nam, phát triển lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tập trung vào đổi mới sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng trong việc củng cố các thành tựu và cải thiện hệ thống y tế của Việt Nam nhằm giải quyết tốt hơn những thách thức của tương lai.

Những thông tin này được đưa ra tại diễn đàn đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế diễn ra tại Hà Nội ngày 21/11.

Tại đây, Ngài Iain Frew, Đại sứ Vương quốc tại Anh Việt Nam cho biết đại dịch COVID-19 cho thấy một số thế mạnh của đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo không thể diễn ra một sớm một chiều mà từng bước nhỏ để tạo sự thành công trong tương lai của y tế.

“Đổi mới sáng tạo trong y tế gồm y tế số, phát triển vaccine, đánh giá công nghệ y tế. Sử dụng dữ liệu thông minh giúp tiết kiệm tiền và thời gian cho người bệnh, bác sĩ và xã hội”- Ngài Iain Frew nhấn mạnh.

Không chỉ đổi mới chẩn đoán, nghiên cứu và phát triển được chú trọng mà việc đổi mới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chuỗi cung ứng và quản trị cơ sở chăm sóc sức khỏe cũng vô cùng quan trọng.

Đại diện Tiểu ban Dược phẩm thuộc Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu cho biết đại dịch COVID-19 đã đặt ra những thách thức to lớn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe, đồng thời cũng cho chúng ta thấy vai trò và tầm quan trọng của sự đổi mới sáng tạo trong ngành y tế. Có đổi mới sáng tạo, chúng ta mới có thể hy vọng sẽ phát triển một hệ thống chăm sóc sức khỏe linh hoạt và bền vững hơn trong tương lai.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia đưa ra các xu hướng và quan điểm toàn cầu trong đổi mới sáng tạo lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Không chỉ đổi mới chẩn đoán, nghiên cứu và phát triển được chú trọng mà việc đổi mới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chuỗi cung ứng và quản trị cơ sở chăm sóc sức khỏe cũng vô cùng quan trọng.

Các chuyên gia cũng khẳng định đổi mới sáng tạo cũng chính là động lực mới cho phát triển tại Việt Nam, điển hình là thời đại số hóa y tế, chuyển đổi hành trình chăm sóc sức khỏe thông qua sức mạnh của công nghệ và chuyên môn, cũng như cải thiện chăm sóc sức khỏe qua các giải pháp AI.

Không chỉ là động lực mới cho phát triển, đổi mới còn là cơ hội hợp tác cho một Việt Nam khỏe mạnh hơn trong tương lai. Nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, xây dựng hệ sinh thái y tế phong phú, củng cố năng lực, nhân lực y tế cũng như quan hệ đối tác, định hướng giải pháp sẽ giúp Việt Nam xây dựng được một lĩnh vực Y tế năng động, sáng tạo, có khả năng chống chịu nhằm giải quyết các thách thức y tế tương lai.

Theo: Báo Sức khỏe & Đời sống