Loãng xương là gì? Các thiết bị và phương pháp đo loãng xương
1. Loãng xương là gì?
Về cấu tạo, xương là một mô sống, chứa 30% chất hữu cơ và 70% chất vô cơ (muối canxi và phốt phát). Mặc dù xương có độ khoáng cao nhưng luôn đổi mới về thành phần các chất, luôn luôn có hiện tượng hủy và tạo xương trong cơ thể ở mọi thời điểm kể cả khi lớn tuổi. Các tính chất hình thái của xương tùy vào lứa tuổi, điều kiện dinh dưỡng, hoạt động cơ, ảnh hưởng của nội tiết tố.
Loãng xương là bệnh lý rối loạn cân bằng giữa hai quá trình hủy xương và tạo xương của cơ thể, trong khi tạo xương chậm hẳn do tuổi tác hoặc các yếu tố khác thì hủy xương lại diễn ra nhanh hơn khiến cho chất lượng xương giảm, xương trở nên mỏng, xốp, giòn và dễ gẫy.
Loãng xương là một bệnh lý âm thầm, bệnh nhân thường không có triệu chứng gì cho đến khi xuất hiện gãy xương, ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của số đông người có tuổi, đặc biệt là phụ nữ.
Loãng xương xuất hiện ở mọi lứa tuổi với nhiều nguyên nhân khác nhau, có khi là hậu quả của một số bệnh hoặc việc lạm dụng một số loại thuốc gốc glucorticoid nhưng phần lớn phụ thuộc vào quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.
2. Các phương pháp xác định loãng xương
Có nhiều phương pháp xác định loãng xương như :
- Chụp XQuang
- Xét nghiệm máu và nước tiểu để xác định các yếu tố Tạo xương và Hủy xương
- Phương pháp hấp phụ năng lượng quang phổ đơn SpA (Single-Photon Absorptiometry)
- Phương pháp hấp phụ năng lượng quang phổ kép DPA (Dual-Photon Absorptiometry)
- Phương pháp hấp phụ năng lượng tia X kép DEXA/DXA (Dual Energy X-ray Absorptiometry)
- Chụp cắt lớp điện toán định lượng QCT (Quantitated Computer Tomography)
- Đo hấp thụ tia X bằng hình X quang RA (Radiographic Absorptiometry)
- Phương pháp dùng sóng siêu âm định lượng (QUS).
Tuy nhiên, phương pháp duy nhất được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận và được chọn làm tiêu chuẩn vàng (gold standard) để xác định loãng xương là phương pháp hấp phụ năng lượng tia X kép (Dual Energy X Ray Absorptiometry – DEXA hoặc DXA). Các máy đo loãng xương loại DXA cho kết quả chính xác hơn nhiều so với các máy đo bằng các phương pháp khác mặc dù giá máy khá cao, chi phí đầu tư lớn. Các thế hệ máy sau này sử dụng chùm tia hình rẻ quạt có khả năng chụp cột sống nghiêng và ghi nhận được cả sự vôi hóa của động mạch chủ bụng.
Cùng với khả năng chụp cột sống nghiêng, máy đo loãng xương DXA thế hệ mới còn có thể ứng dụng công nghệ mới trong việc đánh giá gãy đốt xương sống bằng phần mềm. Đây là công nghệ mới nhất hiện nay trong đánh giá loãng xương. Hệ thống có khả năng ghi nhận và đánh giá những ổ gãy xương nhỏ và tiềm ẩn ở bên trong xương, có độ nhạy rất cao.
3. Tiêu chuẩn chẩn đoán loãng xương của WHO
Có nhiều tác giả đưa ra nhiều cách tính độ loãng xương. Tuy nhiên, theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chẩn đoán loãng xương được dựa trên mật độ chất khoáng trong xương, được tính bằng chỉ số T (T-score). Chỉ số này do máy DXA tính được dựa trên các phần mềm. Các yếu tố tính toán ra chỉ số này dựa trên các thống kê nghiên cứu và thay đổi theo chủng tộc người.
Hiện nay, ở Việt nam, chúng ta chưa có các thống kê riêng của mình nên vẫn phải sử dụng các yếu tố tính toán của người Trung Quốc, ở chừng mực nào đó cũng có những khác biệt nhất định ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả. Nhiều bác sĩ Việt nam đang miệt mài nghiên cứu, đưa ra các thống kê của mình. Tuy nhiên, việc nghiên cứu này có vẻ như vẫn còn chưa được liên kết chặt chẽ, vẫn thiếu một cái gì đó kết dính các nhà khoa học lại với nhau, cho nên thời điểm mà chúng ta có những chỉ số riêng cho người Việt nam vẫn còn ở đâu đó phía trước.
Để đánh giá loãng xương, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia thành 4 nhóm dựa theo chỉ số T đo được trên máy DXA:
Người bình thường: chỉ số T lớn hơn -1 (âm 1).
Thưa xương (osteopenia): chỉ số T nằm trong khoảng từ -1 đến -2,5 (từ âm 1 đến âm 2,5).
Loãng xương (osteoporosis): chỉ số T nhỏ hơn -2,5 (âm 2,5).
Loãng xương nặng: chỉ số T nhỏ hơn -2,5 (âm 2,5) kèm theo có ít nhất một lần gãy xương do loãng xương.
Ngoài chỉ số T thì bạn cũng nhận được chỉ số Z (Z-score) khi thực hiện kiểm tra mật độ xương. Chỉ số Z cho biết mật độ xương của bạn khi so với chỉ số tiêu chuẩn của những người cùng tuổi. Hai chỉ số T và Z có thể hoán đổi cho nhau
4. Các thiết bị đo loãng xương.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu cơ bản các thiết bị đo loãng xương, chi tiết về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của từng thiết bị sẽ được chúng tôi trình bày ở các bài viết khác.
Máy đo loãng xương gót chân bằng siêu âm
Thiết bị đo tại gót chân (hoặc cánh tay...tùy loại), sử dụng một đầu phát sóng siêu âm, một đầu thu sóng siêu âm, so sánh độ chênh lệch giữa đầu phát và đầu thu, kết hợp với các công thức đã được định sẵn sẽ cho ra chỉ số về mật độ xương, độ loãng xương. Tuy nhiên, phương pháp đo độ loãng xương bằng sóng siêu âm có độ chính xác không cao bằng phương pháp X-quang.
Máy đo loãng xương gót chân/cánh tay bằng X-quang (DXA)
Thiết bị sử dụng phương pháp hấp phụ năng lượng tia X kép DEXA/DXA (Dual Energy X-ray Absorptiometry).
Máy đo loãng xương toàn thân bằng X-quang (DXA)
Thiết bị sử dụng phương pháp hấp phụ năng lượng tia X kép DEXA/DXA (Dual Energy X-ray Absorptiometry).
Loãng xương là bệnh xương chuyển hóa tiến triển làm giảm mật độ xương (khối lượng xương trên một đơn vị thể tích), kèm suy giảm cấu trúc xương. Xương yếu dẫn đến gãy xương với chấn thương nhỏ hoặc không rõ chấn thương, ở cột sống lưng, thắt lưng, cổ tay và khớp háng (gọi là gãy xương do loãng xương). Chẩn đoán bằng phương pháp chụp hấp thụ tia x năng lượng kép (DEXA scan) hoặc bằng chẩn đoán khẳng định gãy xương do loãng xương. Điều trị và dự phòng bao gồm việc thay đổi các yếu tố nguy cơ, bổ sung canxi và vitamin D, tập thể dục để tăng tối đa sức mạnh xương và cơ, cải thiện thăng bằng, và giảm thiểu nguy cơ ngã, và liệu pháp dùng thuốc để bảo vệ khối xương hoặc kích thích sự hình thành xương mới.