VND USD
Kết nối với chúng tôi Theo dõi An Sinh Medical trên Facebook Theo dõi An Sinh Medical trên Youtube Theo dõi An Sinh Medical trên TikTok

Máy thở CPAP là gì? Tổng quan về cấu tạo và chức năng của máy thở CPAP

36 năm trước

Máy thở CPAP là gì ?

CPAP là chữ viết tắt của Continuous Positive Airway Pressure, nghĩa là Khí áp lực dương liên tục. Máy thở CPAP là máy tạo ra khí áp lực dương liên tục, dùng để điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Máy thở CPAP là loại máy thở không xâm lấn, bệnh nhân không phải đặt ống thở nội khí quản khi sử dụng. Điều này giúp bệnh nhân thoải mái hơn so với máy thở xâm lấn. Máy CPAP được sử dụng cho cá nhân điều trị tại nhà.

 

Cách thức hoạt động

Khi nằm ngủ, các cơ quan sẽ được thư giãn để hồi phục. Khi đó các cơ vùng hầu họng cũng thư giãn. Tùy theo mỗi người, các cơ sẽ thư giãn với mức độ khác nhau.

Nếu thư giãn quá mức, các cơ vùng hầu họng sẽ chùng xuống, làm xẹp và nghẹt đường hô hấp. Lúc đó cơ thể vẫn có cử động hô hấp, nhưng không khí không đi vào được trong phổi. Hiện tượng đó gọi là Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ.

 

 

Máy thở CPAP tạo ra dòng khí áp lực dương, liên tục thổi vào đường hô hấp. Áp lực khí giúp nâng đỡ cơ vùng hầu họng, không cho cơ xẹp xuống. Do đó, đường thở luôn được mở thông suốt.

 

Thành phần cấu tạo

Một bộ máy CPAP thường bao gồm 4 thành phần:

 

Thân máy chính: chứa động cơ và mạch điều khiển; tạo ra khí áp lực dương liên tục.

Bộ phận tạo ẩm: chứa hộp nước, bộ phận đun nóng, các cảm biến; điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm cho không khí.

Ống dẫn khí: dẫn khí đến mặt nạ.

Mặt nạ: tạo không gian kín để dẫn khí vào đường hô hấp.

Ngoài các thành phần chính, bộ máy cpap thường có các thành phần phụ khác như: màn hình để hiển thị thông tin, bộ nhớ và thẻ nhớ để lưu trữ kết quả, lọc bụi đường khí vào, các cổng truyền tín hiệu…

 

Tính năng:

Hiện nay, các máy thở CPAP đều được thiết kế để có thể hoạt động hoàn toàn tự động, gọi là Auto CPAP hay APAP. Nhưng do thói quen, những máy tự động vẫn có thể được gọi chung là máy thở CPAP.

 

Những tính năng chính thường có của máy thở CPAP:

Thuật toán điều trị tự động: tự động phát hiện các sự kiện của ngưng thở trong lúc ngủ (ngáy, giảm thở, ngưng thở…). Tự động thay đổi áp lực khí đủ để hồi phục đường thường, giúp đường thở thông suốt. Khi không có các sự kiện ngưng thở, áp lực khí sẽ giảm dần.

Điều chỉnh độ ẩm và nhiệt độ: máy sử dụng nước để tạo độ ẩm cho khí hít vào, đồng thời gia nhiệt cho không khí ấm hơn. Người dùng có thể điều chỉnh độ ẩm hoặc nhiệt độ theo ý muốn, hoặc để máy tự động điều chỉnh.

Giảm áp lực lúc thở ra: do máy liên tục thổi khí vào đường hô hấp, nên lúc thở ra sẽ có chút cản trở so với bình thường. Nên tính năng này sẽ phát hiện lúc người dùng thở ra, và giảm áp lực khí xuống bớt, để thở ra nhẹ nhàng hơn.

 

Những tính năng khác

Thời gian đệm: máy thường tạo áp lực khí tối thiểu là 4 cmH2O. Một số người sử dụng cần áp lực điều trị tối thiểu cao hơn. Nhưng khi người sử dụng chưa chìm vào giấc ngủ, mức áp lực này sẽ không thoải mái hoặc khó ngủ. Do đó, máy sẽ tăng dần áp lực từ mức tối thiểu là 4 cmH2O đến mức áp lực điều trị tối thiểu. Người dùng sẽ dễ chìm vào giấc ngủ hơn.

Tiếng ồn: hầu hết máy thở CPAP có độ ồn khi hoạt động là rất nhỏ, hầu như không thể nghe thấy.

Báo cáo kết quả: tất cả thông số điều trị sẽ được lưu lại để đánh giá và điều chỉnh.

 

Thời gian điều trị

- Chỉ sử dụng máy thở CPAP khi đi ngủ.

- Triệu chứng ngưng thở tắc nghẽn chỉ xảy ra khi đang ngủ, do đó chỉ sử dụng máy mỗi khi đi ngủ. Việc sử dụng máy trong suốt thời gian ngủ và thường xuyên mỗi đêm sẽ cho kết quả tốt nhất.

- Theo khuyến cáo của Hội y học giấc ngủ Hoa Kỳ (AASM), để đạt kết quả điều trị tốt, mỗi đêm nên sử dụng máy tối thiểu 4 giờ và mỗi tháng có tối thiểu 70% số ngày sử dụng.

- Hiệu quả điều trị bằng máy thở CPAP sẽ thấy rõ sau vài ngày sử dụng. Tuy nhiên, việc điều trị là lâu dài và liên tục, nên người sử dụng cần kiên trì tuân thủ.