Telemedicine là gì? Những khái niệm và thông tin cơ bản về y học từ xa
1. Telemedicine là gì ?
Telemedicine hay y học từ xa (với "Tele" nghĩa là từ xa và "medicine" mang nghĩa điều trị) đã ra đời với hình thức khởi điểm là hội chẩn thông qua điện thoại cho đến tiên tiến nhất hiện tại là truyền hình trực tiếp ca mổ đến khắp mọi khu vực trên thế giới cũng như lưu trữ và truy xuất hồ sơ bệnh án trên hạ tầng cloud.
Theo wikipedia-Telemedicine là việc sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe lâm sàng từ xa. Nó đã được sử dụng để vượt qua các rào cản từ xa và để cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế thường không có sẵn ở các cộng đồng nông thôn xa xôi.
Để chẩn đoán cho một bệnh nhân, bác sĩ cần thông tin về bệnh sử, các xét nghiệm như: xét nghiệm huyết học, sinh hoá, vi sinh, tế bào..., thông tin về chẩn đoán chức năng (điện tim ECG, điện não EEG, hô hấp...), thông tin về hình ảnh (X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp - CT scanner, cộng hưởng từ - MRI...). Hãy tưởng tượng, một bác sĩ đang ngồi trong phòng làm việc của mình khám cho một bệnh nhân từ xa –chỉ cần một cái nhấp chuột là có thể nhận đầy đủ các thông tin về bệnh nhân- đó chính là những khả năng mà Y học Từ Xa(Telemedicine) mang lại.
Việc kết nối mạng các trung tâm y tế, bệnh viện giúp tăng cường khả năng khai thác tài nguyên chung trong lĩnh vực y tế: thiết bị, chuyên gia, dữ liệu.... Từ đó hình thành khả năng chẩn đoán hình ảnh từ xa (Teleradiology), tư vấn từ xa (Teleconsulting),hội chẩn từ xa (Telediagnostics, video-conferencing)... Những dịch vụ mở rộng trên nền tảng đó cho phép khi có nhu cầu -về nguyên tắc- bệnh nhân có thể được chăm sóc bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào - đó chính là tính ưu việt của Y học từ xa.
2. Các lợi ích mang lại từ giải pháp Telemedicine
Telemedicine cho phép trao đổi thông tin về bệnh nhân qua màn hình để thảo luận phác đồ điều trị, chia sẻ các kiến thức chuyên môn hoặc huấn luyện từ xa. Nâng cao kết nối giữa các bộ phận trong bệnh viện, quản lý các dữ liệu nhạy cảm (như bệnh án) một cách bảo mật. Bằng cách ứng dụng giải pháp khám chữa bệnh từ xa này đã xóa đi rào cản về địa lý giữa. Tổng quan lại các lợi ích mang lại từ Telemedicine bao gồm:
- Nâng cao chuyên môn và tiết kiệm thời gian cho bác sĩ;
- Thông qua kết nối mạng đội ngũ y tế ở tuyến trên và tuyến dưới có thể trao đổi và chia sẻ các thông tin của người bệnh để có chẩn đoán và phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh;
- Giúp người bệnh có được kết quả chẩn đoán chính xác như trên Bệnh viện hạt nhân mà không cần chuyển viện;
- Tối giản chi phí di chuyển và tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề;
- Tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại cho các bác sĩ và người bệnh;
- Nhanh chóng lưu trữ và truy xuất dữ liệu bệnh án ở bất kỳ nơi nào và thời điểm nào;
- Tối giản hóa chi phí lưu trữ, in ấn dữ liệu;
3. Các hệ thống thông tin y tế
Thông thường, các hệ thống thông tin y tế được phân thành một số loại như sau:
HIS-Hệ quản lý thông tin bệnh viện (HIS - Hospital Information System) dùng quản lý nhân sự, tài chính, quản lý bệnh nhân (như các thông tin về bệnh nhân nội, ngoại trú)... nói chung là quản lý mảng thông tin tổng quát trong đơn vị y tế. Mạng HIS là một công cụ để tối ưu hóa hệ thống, giảm chi phí đồng thời hỗ trợ việc kiểm soát địa bàn, hỗ trợ công tác dự báo, dự phòng có hiệu quả.
EHR/EMR- Hệ thống Bệnh án điện tử (Bản ghi sức khỏe điện tử)- (EHR - Electronic Health Record) tích hợp đầy đủ thông tin: kết quả xét nghiệm, X Quang, cộng hưởng từ, các phiếu chẩn đoán chức năng, nội soi, kết quả chẩn đoán chung và liệu trình điều trị... sẽ được quản lý bằng cơ sở dữ liệu, có khả năng tra cứu nhanh và chia sẻ tài nguyên nhằm phục vụ cho công tác điều trị và hỗ trợ nghiên cứu lâm sàng, dịch tễ, tác dụng của thuốc...(Theo NAHIT -Liên minh Quốc gia về Công nghệ thông tin Y tế - EHR tổng quát hơn EMR).
PACS-Hệ thống thông tin lưu trữ và truyền hình ảnh (PACS - Picture Archiving and Communication System) lưu trữ, xử lý, khai thác cơ sở dữ liệu, âm thanh, hình ảnh, truyền hình ảnh động và các dữ liệu khác từ những thiết bị chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, Xquang, CT scanner, cộng hưởng từ hạt nhân... Các lĩnh vực ứng dụng nhiều nhất của PACS là Xquang từ xa (Teleradiology), bệnh lý học (Telepathology), chẩn đoán hình ảnh (Tele Medical Imaging) và khám chữa bệnh từ xa, chăm sóc sức khỏe tại nhà (Tele-home Health Care).
Các mạng HIS và PACS của các cơ sở y tế, khi được nối liên mạng dựa trên công nghệ đường truyền tốc độ cao, sẽ tạo ra liên kết theo vùng địa lý hoặc chuyên ngành, xóa bỏ được hạn chế về mặt không gian, đặc biệt ở những khu vực địa lý phức tạp, thiếu chuyên ngành. Ưu việt của telemedicine là chuyển tải thông tin nhanh, vì thế hỗ trợ điều trị bằng phương pháp mới nhất tại tuyến y tế cơ sở.
Bệnh nhân có thể sử dụng telemedicine để được tư vấn của các chuyên gia đầu ngành và có thể giữ liên hệ thường xuyên với trung tâm y tế, bệnh viện thông qua thiết bị công nghệ thông tin (điện thoại cầm tay, Ipad, máy tính cá nhân…).
4. Một số mô hình, ứng dụng Telemedicine
4.1 Telemedicine - Hỗ trợ tư vấn, khám bệnh từ xa
Để giải quyết bài toán tư vấn và khám bệnh tại chỗ mà không cần di chuyển, đi lại ăn ở để lên bệnh viện tuyến trên gặp bác sĩ chuyên môn cao. Các bệnh nhân có thể khám & tư vấn bệnh tại nhà, hay chỉ phải lên các tuyến bệnh viện vệ tinh mà vẫn có thể được nghe tư vấn và khám bệnh từ các bác sĩ đầu ngành của tuyến bệnh viện trung ương.
Giải pháp Telemedicine giúp kết nối bác sĩ tuyến trên với các bệnh viện về tinh hay ngay cả với bệnh nhân tại nhà, giúp khả năng chăm sóc bệnh nhân ở các tuyến bệnh viện vệ tinh tốt hơn, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và giảm chi phí xã hội cho việc khám chữa bệnh. Mô hình của Telemedicine như sau:
4.2 Teleradiology - Giải pháp chẩn đoán hình ảnh từ xa
Là giải pháp khám bệnh thông qua chẩn đoán hình ảnh từ xa, như X-quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi, điện tim, điện não đồ…hay hồ sơ bệnh lý cũng như các kết quả xét nghiệm điều trị của người bệnh được truyền dữ liệu trực tiếp giữa bệnh nhân với bác sĩ có chuyên môn, từ đó bác sĩ dựa vào hình ảnh thu nhận từ bệnh nhân có thể chẩn đoán chính xác bệnh lý của người bệnh. Dữ liệu hình ảnh và hồ sơ bệnh lý cũng được ảo hóa và lưu trữ trên cơ sở dữ liệu chung giúp cho người bệnh hay bác sĩ có thể xem hoặc tải file bất cứ lúc nào.
Giải pháp chẩn đoán hình ảnh từ xa PACS và RIS hướng đến việc tạo điều kiện cho công việc chẩn đoán hình ảnh điện tử trở nên dễ dàng hơn cũng như linh động hơn trong phương thức lưu trữ và truy xuất dữ liệu.
Đơn giản hơn có thể hiểu Teleradiology chính là một tổ hợp giải pháp tổ hợp phần mềm và phần cứng có nhiệm vụ thu nhận, lưu trữ, hiển thị, chuyển giao những hình ảnh chụp từ X-quang, MRI, cộng hưởng từ, siêu âm, nội soi, điện tim, điện não đồ…
Cụ thể PACS sử dụng định dạng chuẩn để lưu trữ và chuyển giao hình ảnh từ thiết bị y tế được gọi là DICOM - Digital Imaging and Communications in Medicine (đồng thời cũng có thể đóng gói dữ liệu không phải hình ảnh trong định dạng DICOM, chẳng hạn như định dạng PDF và JPG)… sau đó cho phép người dùng truy cập và tái tạo lại các hình ảnh đã được lưu trữ dưới nhiều định dạng khác nhau hỗ trợ tối đa cho việc hội chẩn từ xa.
Các thiết bị y tế có chuẩn DICOM như CT, MRI, DSA, DA… được kết nối trực tiếp với máy trạm trong mạng LAN Bệnh viện bằng phần mềm đọc ảnh DICOM Viewsend RAD.
Máy trạm Viewsend RAD sử dụng internet sẽ truyền tải hình ảnh lên các trung tâm tích hợp dữ liệu để quản lý và lưu trữ hình ảnh DICOM.
Các Bác sĩ ở các Bệnh viện TW và bệnh viện vệ tinh sử dụng chuẩn SSL ( Secure Sockets Layer ) để có thể đọc và chẩn đoán kết quả hình ảnh cho mỗi người bệnh.
Khi đó với mỗi máy tính hay thiết bị cầm tay IPAD, IPHONE ở bất kỳ nơi đâu có kết nối internet sử dụng chuẩn SSL để xem kết quả.
4.3 Telediagnostics - Giải pháp hội chẩn từ xa
Telediagnostics là phương thức truyền tải trực tiếp tất cả các dữ liệu từ phòng mổ đến các điểm cầu khác nhau như phòng hội chẩn, phòng lãnh đạo bệnh viện hoặc hội trường... tạo dữ liệu đầu vào cho việc thảo luận, chỉ đạo các quyết định về hội chẩn cũng như thao tác mổ giúp ca phẫu thuật diễn ra thành công, bao gồm:
- Tín hiệu từ các thiết bị sinh tồn (máy tim, phổi nhân tạo...);
- Hình ảnh tổng thể phòng mổ;
- Tín hiệu video trực tiếp từ các thiết bị mổ (camera gắn trên đèn mổ, camera trường mổ - thiết bị nội soi...)
...
4.4 Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe từ xa (Health Education):
Nhằm tổ chức các khóa học về y tế từ xa thông qua hội nghị truyền hình video trực tuyến, các bác sĩ có thể trao đổi, tập huấn, đào tạo, vv… ở mọi lúc mọi nơi, cách xa về mặt địa lý; Từ đó các bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới luôn được nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn mà không phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho việc đào tạo chuyên môn tập chung tại một vị trí địa lý.