Tìm hiểu quy trình và trang thiết bị thụ tinh trong ống nghiệm IVF
1. IVF là gì?
Thụ tinh trong ống nghiệm IVF (In Vitro Fertilization) là một phương pháp hỗ trợ sinh sản mà tinh trùng và trứng được kết hợp ở ngoài cơ thể. Nếu hiện tượng thụ tinh xảy ra, sẽ tạo thành phôi, sau đó phôi được chuyển vào buồng tử cung. Phôi làm tổ và phát triển thành thai nhi như trong thụ thai tự nhiên.
2. Những cặp vợ chồng thích hợp với phương pháp IVF.– Tắc hai vòi trứng.
– Lạc nội mạc tử cung.
– Xin trứng.
– Hiếm muộn không rõ nguyên nhân, bơm tinh trùng vào buồng tử cung nhiều lần nhưng thất bại.
– Tinh trùng ít, yếu, xuất tinh ngược hoặc không xuất tinh.
– Không tinh trùng trong tinh dịch (lấy tinh trùng bằng phẫu thuật mào tinh, tinh hoàn).
– Đứt niệu đạo sau do di chứng vỡ xương chậu.
3. Tỉ lệ thành công và chi phí thực hiện IVF
Tỉ lệ thành công
Trên thế giới, tỉ lệ thụ tinh ống nghiệm thành công là khoảng 40-45%. Tại Việt Nam, tỉ lệ này ở khoảng 35-40%. Tỉ lệ thành công này sẽ giảm từ 2-10% đối với phụ nữ lớn tuổi (sau tuổi 40). Hiện nay, đây là phương pháp có tỉ lệ thành công cao nhất trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện nay.Ở độ tuổi dưới 30, tỉ lệ làm thụ tinh ống nghiệm IVF thành công lên đến 60-70%
Chi phí thực hiện thụ tinh ống nghiệm IVF
Bên cạnh tỉ lệ thành công thì chi phí khi làm thụ tinh ống nghiệm, “làm IVF hết bao nhiêu tiền” cũng là thắc mắc của các cặp vợ chồng. Hiện nay, chi phí làm thụ tinh ống nghiệm IVF tại các trung tâm, bệnh viện trên toàn quốc là khoảng triệu 70-100 triệu đồng. Mức giao động này tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người mẹ với những phác đồ điều trị khác nhau.
4. Các phương pháp thực hiện IVF.
Có 3 cách thụ tinh trong ống nghiệm, bao gồm:
– Thụ tinh IVF cổ điển: Đặt trứng được trộn lẫn với hàng ngàn tinh trùng trong một chiếc đĩa chuyên khoa vào tủ cấy mô phỏng môi trường tự nhiên. Cả quá trình đều thực hiện trong phòng thí nghiệm. Sau khi phôi thai hình thành sẽ được vào tử cung người phụ nữ.
– Thụ tinh IVF với chu kỳ tự nhiên: Thu thập và thụ tinh một trứng trong quá trình rụng trứng tự nhiên khi đến chu kỳ của người phụ nữ. Không sử dụng biện pháp kích thích rụng trứng.
– Thụ tinh IVF với kích thích nhẹ: Dùng một lượng nhỏ chất kích thích rụng trứng trong quá trình thụ tinh, rút ngắn được thời gian hoàn thành hơn IVF cổ điển.
5. Quy trình tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm IVF
– Khám, tư vấn, làm các xét nghiệm cơ bản, riêng xét nghiệm nội tiết tố sinh dục, siêu âm đếm nang thứ cấp được tiến hành vào ngày 2 của vòng kinh.
– Hồ sơ được hoàn thành ngay sau khi đủ kết quả, và được duyệt ngay trong tuần mà không phải chờ đợi lâu.
– Tùy từng trường hợp, bệnh sẽ được kích thích buồng trứng với phác đồ phù hợp (phác đồ ngắn hoặc dài).
5.1. Phác đồ dài
– Tiêm thuốc từ ngày 21 của chu kỳ kinh trước, thông thường tiêm trong 12-14 ngày, siêu âm và thử máu vào ngày 12, 14 sau tiêm thuốc.
– Ngày thứ 2 chu kỳ kinh kế tiếp, chuyển thuốc kích thích buồng trứng, siêu âm và thử máu để xác định số lượng, sự phát triển của nang noãn và giúp điều chỉnh liều thuốc.
– Thời gian tiêm thuốc thường 10 – 12 ngày, khi nang trứng đạt đủ kích thước sẽ được tiêm 1 mũi thuốc giúp trưởng thành noãn.
– Chọc trứng được tiến hành 36h sau mũi tiêm cuối cùng.
– Tinh trùng chồng được lấy cùng ngày chọc hút trứng.
– Chuyên viên phôi học sẽ tiến hành nuôi cấy noãn và tinh trùng, theo dõi sự phát triển của phôi trong Labo trong 3 ngày. Một số trường hợp theo dõi trong 5 ngày.
– Lựa chọn và chuyển phôi vào buồng tử cung vào ngày thứ 3 sau chọc hút trứng. Một số trường hợp chuyển phôi ngày 5.
– Thử thai (beta-hCG)14 ngày sau chuyển phôi.
– Siêu âm 2 tuần sau nếu thử thai dương tính.
5.2. Phác đồ ngắn
– Tiến hành kích thích buồng trứng từ ngày thứ 2 của chu kỳ kinh.
– Theo dõi sự phát triển nang noãn và điều chỉnh liều thuốc bằng siêu âm và xét nghiệm máu.
– Thời gian tiêm thuốc khoảng 10 ngày, khi nang noãn đạt đủ kích thước, quý khách được tiêm một mũi thuốc trưởng thành noãn.
– Thời gian chọc hút trứng và chuyển phôi được tiến hành như với phác đồ dài.
5.3. Chọc hút trứng
– Nhịn ăn ít nhất 4-6h trước khi chọc hút trứng để tránh hiện tượng trào ngược khi gây mê, và đi tiểu hết.
– Giảm đau và gây mê tĩnh mạch trong quá trình thực hiện thủ thuật.
– Chọc hút trứng được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm qua ngả âm đạo, thường kéo dài 15 phút.
– Sau chọc hút nên nằm nghỉ ngơi 2-3h, theo dõi ổn định có thể ra về.
5.4. Thụ tinh
– Trứng sau chọc hút sẽ được chuyển sang Labo đánh giá, và thực hiện thụ tinh với tinh trùng.
– Sự xuất hiện của 2 tiền nhân khẳng định hiện tượng thụ tinh xảy ra. Một tiền nhân từ trứng và một tiền nhân từ tinh trùng.
– Tỉ lệ thụ tinh trung bình 75 – 90%
– Hai ngày sau khi chọc hút trứng, trứng thụ tinh sẽ phân chia thành phôi có khoảng 4 tế bào. Ở ngày thứ 3, phôi sẽ có khoảng 6 tới 10 tế bào. Ngày thứ 5 thì phôi sẽ tạo thành một khoang, phôi giai đoạn này gọi là phôi nang.
– Phôi sẽ được chuyển vào buồng tử cung ngày thứ 2, thứ 3 hay thứ 5 sau khi trứng được chọc hút.
5.5. Chuyển phôi
– Đây là một thủ thuật đưa phôi vào buồng tử cung, giúp phôi làm tổ và phát triển thành thai.
– Khác với chọc hút trứng, khi chuyển phôi quý khách phải nhịn tiểu
– Thủ thuật này tương đối nhẹ nhàng. Bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ bộc lộ cổ tử cung và đưa phôi vào buồng tử cung qua một catheter mềm cực nhỏ nhằm không gây tổn thương cho niêm mạc tử cung.
– Thủ thuật này không đau và kéo dài khoảng 5 phút. Một số trường hợp chuyển phôi khó do tư thế cổ tử cung bất thường, thời gian có thể kéo dài hơn.
5.6. Đông lạnh phôi dư
– Trong một số trường hợp, sau chuyển phôi vẫn còn phôi dư, số phôi này sẽ được đông lạnh để chuyển cho lần sau.
– Đông lạnh phôi dư giúp tăng số lần chuyển phôi trong một chu kỳ chọc noãn, tăng tỉ lệ có thai cộng dồn, giảm chi phí và các biến chứng so với một chu kỳ hỗ trợ sinh sản mới.
– Sự ra đời của những trẻ khỏe mạnh từ chuyển phôi đông lạnh đã khẳng định tính an toàn của kỹ thuật này.
– Trước khi chuyển phôi đông lạnh sẽ được chuẩn bị nội mạc tử cung, giúp nội mạc tử cung chấp nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho sự làm tổ của phôi.
– Sau chuyển phôi vẫn tiếp tục dùng thuốc để hỗ trợ cho sự phát triển của thai.
5.7. Hỗ trợ phase hoàng thể
– Trong thụ tinh trong ống nghiệm, do kích thích buồng trứng làm thay đổi nồng độ và tác động của nội tiết lên niêm mạc tử cung, làm thay đổi cửa sổ làm tổ của phôi, gây xáo trộn giai đoạn hoàng thể, do đó hỗ trợ hoàng thể là không thể thiếu, giúp tăng khả năng làm tổ và duy trì sự phát triển của thai.
– Có nhiều loại thuốc và nhiều phác đồ hỗ trợ giai đoạn hoàng thể, bệnh nhân sẽ được sử dụng phác đồ phù hợp trong thời gian 2 tuần đầu sau chuyển phôi, nếu có thai việc dùng thuốc sẽ được kéo dài hơn tùy trường hợp.
5.8. Thử thai
– Thử máu 2 tuần sau chuyển phôi để kiểm tra nồng độ β-hCG (pregnancy hormone), xác định chính xác nhất sự có thai.
– Xét nghiệm lại để theo dõi sự gia tăng của nội tiết này sau 2-7 ngày, nhằm tiên lượng sự phát triển của thai.
– Siêu âm vào tuần thứ 5 hoặc sớm hơn sau chuyển phôi, để xác định vị trí làm tổ và số lượng thai.
– Trong giai đoạn, bệnh nhân nên dành thời gian nghỉ ngơi, làm việc nhẹ nhàng, và tuân thủ việc dùng thuốc theo hướng dẫn của bệnh viện.
6. Các trang thiết bị hỗ trợ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm thiết bị IVF được cung cấp bởi các hãng với đặc tính khác nhau. Phòng labo hỗ trợ sinh sản là tổ hợp gồm nhiều thiết bị kết hợp và hoạt động với nhau. Việc thiết kế và đầu tư máy móc cần nằm trong một tổng thể để mang tới hiệu quả cao nhất.
Một số trang thiết bị sử dụng trong IVF
Bàn khám sản.
Bàn khám sản là thiết bị cơ bản nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho bác sĩ trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý sản phụ khoa. Khi lựa chọn bàn khám cần tuân theo một số yêu cầu sau:
- Bàn khám sản phải đáp ứng được tất cả các yêu cầu khi thăm khám của bác sĩ.
- Việc thay đổi tư thế dễ dàng ngay cả khi bệnh nhân vẫn nằm trên bàn là ưu điểm lớn.
- Bề mặt bàn cần được làm bằng chất liệu dễ khử khuẩn.
- Chất liệu làm bề mặt bàn có khả năng chịu được các chất khử khuẩn.
Kính ICSI
Hai kỹ thuật thụ tinh chính được sử dụng trong phòng labo IVF là IVF cổ điển và ICSI. IVF cổ điển là kỹ thuật giúp em bé đầu tiên ra đời bằng hỗ trợ sinh sản. Trong kỹ thuật này, tinh trùng và trứng được đặt vào cùng một đĩa môi trường nuôi cấy để sự thụ tinh được diễn ra. Như vậy, tinh trùng sẽ bơi tới và phá vỡ lớp tế bào nuôi để tiến vào trứng. Sự thụ tinh này diễn ra giống như trong tự nhiên. ICSI là kỹ thuật bơm tinh trùng vào bào tương của trứng. Nghĩa là, một tinh trùng duy nhất được lựa chọn dựa vào hình thái, sau đó được tiêm trực tiếp vào bào tương của noãn. Kỹ thuật này được thực hiện thông qua sử dụng bộ vi thao tác gắn trên kính ICSI.
Kính ICSI thực chất là một loại kính hiển vi soi ngược. Tuy nhiên, không phải loại kính hiển vi đảo ngược nào cũng được sử dụng cho kỹ thuật tiêm tinh trùng. Kính ICSI cần đảm bảo tạo hình ảnh 3D sắc nét của trứng để sự thụ tinh đạt hiệu quả cao. Do đó kính vi tiêm yêu cầu sử dụng hệ chiếu sáng là Hoffman Contrast. Hệ chiếu sáng này giúp tạo ảnh 3D với độ phân giải tốt. Ngoài ra một số kiểu kính ICSI sử dụng hệ chiếu sáng DIC. Hệ chiếu sáng này ngoài việc tạo ảnh 3D sắc nét còn có thể dùng với độ phóng đại rất cao. Kỹ thuật IMSI được thực hiện với hệ kính DIC này.
Một số loại kính ICSI phổ biến
– Kính Nikon
– Kính Leica
– Kính Carl Zeiss
– Kính Olympus
Tủ ấm CO2 nuôi cấy phôi
Tủ ấm là thiết bị quan trọng bậc nhất ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nuôi cấy phôi, tế bào và mô trong phòng thí nghiệm. Do đó, chất lượng của tủ ấm CO2 sẽ ảnh hưởng đến kết quả thành công sau điều trị vô sinh. Tủ cấy phôi IVF cung cấp điều kiện tối ưu nhất cho sự phát triển phôi, tế bào và mô trong nuôi cấy in vitro.
Tủ thao tác IVF
Tủ thao tác IVF mang nhiều đặc tính giúp tối ưu hóa quá trình thực hiện các thao tác trong phòng thí nghiệm IVF. Qua đó, giúp đảm bảo điều kiện tối ưu và ít bị dao động nhất khi thực hiện thao tác với giao tử, phôi bên ngoài tủ ấm CO2.
Các đặc điểm riêng của tủ thao tác IVF :
- Có vị trí để gắn kính hiển vi vào trong tủ thao tác. Có thể gắn kính soi nổi, soi ngược hoặc đồng thời cả hai kính. Tủ thao tác IVF có thể có một vị trí thao tác (tủ đơn) hoặc hai vị trí thao tác, việc lựa chọn này phụ thuộc vào mục đích và số lượng chu kỳ chọc hút của trung tâm IVF.
Bề mặt bàn có thể được làm ấm, để tạo nhiệt độ 37C trong quá trình thao tác với giao tử và phôi, giúp đảm bảo không có sự giao động nhiệt độ lớn với phôi và giao tử.
- Kính hiển vi soi nổi thường được gắn trực tiếp với mặt tủ thao tác IVF, vị trí đặt mẫu chính là bề mặt tủ thao tác, nguồn sáng của kính hiển vi soi nổi thường được đặt bên dưới gầm bàn, do đó tạo không gian rộng và thuận lợi cho các công việc trong phòng labo IVF.
- Một số tủ thao tác IVF có thể đặt được vào trong một tủ ấm CO2 thể tích nhỏ, hoặc có một số bình chụp bằng thủy tinh, giúp tạo ra không gian chứa 5% CO2 giúp cân bằng pH với những mẫu đang được xử lý bên trong tủ IVF. Do đó đảm bảo rằng sự giao động pH là thấp nhất và giúp đảm bảo điều kiện để giao tử, phôi phát triển tốt nhất.
- Một số tủ thao tác IVF có thể có vị trí gắn màn hình. Màn hình này có thể dùng để kiểm soát và cài đặt các thông số của tủ, hoặc màn hình này được sử dụng để kết nối với các máy móc hoặc camera khác trong phòng lab IVF, như camera theo dõi phôi…
Ngoài ra các thông số khác thì giống tủ an toàn sinh học. Nó tạo không gian thao tác trong buồng là vô trùng thông qua việc tạo áp lực dương bằng luồng khí thẳng đứng thổi qua màng lọc hiệu năng cao HEPA. Do đó đảm bảo giao tử và phôi được thao tác trong không gian sạch, đảm bảo vô trùng, giúp đạt được kết quả phát triển tốt nhất.
Máy chọc hút trứng
Để thực hiện thành công quy trình thụ tinh trong ống nghiệm – IVF quan trọng là phải thu được toàn bộ nang noãn trưởng thành trong buồng trứng của bệnh nhân. Việc thu trứng được thực hiện đầu tiên bằng kỹ thuật mổ mở ổ bụng trong các nghiên cứu về trưởng thành noãn ở người. Kỹ thuật chọc hút trứng qua đường âm đạo được phát triển, và được sử dụng thường quy trong IVF hiện nay. Có thể sử dụng xi lanh (chọc hút thủ công) hoặc máy chọc hút trứng để tạo lực hút thụ trứng. Sử dụng máy chọc hút tiện lợi, và kiểm soát áp lực tốt hơn chọc hút thủ công sử dụng xi lanh.
Bình trữ lạnh tinh trùng, phôi
Để có thể bảo quản lâu dài mẫu phôi và giao tử cần được lưu trữ ở nhiệt độ -196 °C trong nitơ lỏng. Vì vậy cần sử dụng các dụng cụ bảo quản đặc biệt là bình lưu trữ phôi, bình trữ lạnh tinh trùng. Bình trữ lạnh tinh trùng cần đảm bảo khả năng cách nhiệt tốt, giảm thiểu tiêu hao ni tơ lỏng hằng ngày, qua đó luôn đảm bảo mẫu tinh trùng được bảo quản ở -196 °C. Do đó, tiết kiệm được lượng lớn nitơ lỏng mà vẫn đảm bảo duy trì được điều kiện tối ưu cho mẫu tế bào.
Thiết bị đếm hạt bụi phòng lab IVF
Hiện nay hầu hết các phòng lab IVF đều được thiết kế theo tiêu chuẩn phòng sạch nghiêm ngặt. Nhờ những thiết kế này để đảm bảo được chất lượng không khí trong lab thụ tinh ống nghiệm cao nhất và nhờ vậy nâng cao chất lượng điều trị. Chất lượng phòng sạch hiện nay tại các Labo IVF hầu như được thiết kế theo tiêu chuẩn ISO 14644-1. Do đó việc quan trọng là duy trì phòng lab theo đúng tiêu chuẩn này. Để kiểm định và theo dõi phòng sạch cần thiết phải sử dụng thiết bị đếm hạt bụi phòng sạch lab IVF. Máy đếm hạt bụi này sẽ giúp chúng ta biết được thực sự chất lượng phòng sạch đang ở mức nào. Do đó mỗi trung tâm thụ tinh ống nghiệm nên sở hữu một thiết bị đếm hạt bụi phòng sạch.
Đồng hồ theo dõi bình trữ lạnh
Việc theo dõi nhiệt độ trong bình trữ lạnh mẫu là quan trọng và cần thiết để đảm bảo việc bảo quản mẫu tế bào, mô và phôi đông lạnh được an toàn trong thời gian lưu trữ. Đồng hồ theo dõi bình trữ lạnh được thiết kế để theo dõi liên tục nhiệt độ trong bình ni tơ lỏng. Việc sử dụng đồng hồ giúp các chuyên viên phôi học yên tâm kiểm soát bình trữ lạnh phôi trong lab IVF.
Máy kiểm tra nồng độ CO2, O2, nhiệt độ
Việc quan trọng nhất của các chuyên viên phôi học là đảm bảo chất lượng hoạt động của toàn bộ phòng labo IVF. Trong đó duy trì sự hoạt động chính xác của các thiết bị đặc biệt là tủ ấm CO2 nuôi cấy IVF là quan trọng nhất. Tủ ấm nuôi cấy phôi được ví như chiếc tử cung nhân tạo đảm bảo điều kiện tối ưu nhất cho sự phát triển phôi tiền làm tổ. Vì vậy tủ ấm cấy phôi được ví như trái tim của phòng lab IVF. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động các cảm biến CO2, nhiệt độ và cảm biến O2 sẽ hoạt động sai lệch so với thực tế và cần được chuẩn hóa (calibration) ngay để đảm bảo sự phát triển phôi không bị ảnh hưởng. Máy đo nồng độ CO2, O2 và nhiệt độ này là công cụ quan trọng nhất để đảm bảo sự hoạt động chính xác của các tủ ấm nuôi cấy phôi.